Câu hỏi: Thời gian thử việc có đóng BHXH, BHYT không?
Trả lời: Thời gian thử việc (tối đa là 2 tháng) được thực hiện trên cơ sở “hợp đồng thử việc” chứ chưa phải là thời gian làm việc chính thức theo HĐLĐ, nên không thuộc diện đóng BHXH, BHYT.
Câu hỏi: Trong thời gian nghỉ sinh có phải đóng tiền BHXH, BHYT hay không?
Trả lời: Thời gian nghỉ thai sản không đóng BHXH, chỉ đóng BHYT. Về nguyên tắc, Người lao động phải tự đóng 3%, nhưng nhà nước khuyến khích Người sử dụng lao động đóng thay cho người lao động trong những trường hợp này.
Câu hỏi: Trong thời gian NLĐ nghỉ việc không lương, cty có phải đóng BHXH, BHYT không? có phải báo giảm lao động và thu lại thẻ BHYT không?
Trả lời: Thời gian NLĐ nghỉ không lương không thuộc diện đóng BHXH, BHYT. Do đó, đơn vị phải báo giảm lao động tham gia BHXH và trả lại thẻ BHYT. Trường hợp không trả thẻ thì phải nộp bổ sung giá trị thẻ còn lại.
Câu hỏi: Việc đóng BHXH và BHYT của một nhân viên làm việc ở 02 công ty như thế nào? đóng BHXH và BHYT của một nhân viên làm việc ở 02 công ty như thế nào?
Trả lời: Theo qui định hiện hành người lao động làm việc tại nhiều nơi thì chỉ chọn 1 nơi để tham gia BHXH. Các nơi còn lại trả vào lương cho người lao động phần nghĩa vụ BHXH, BHYT của đơn vị.
Câu hỏi: Đơn vị đã làm thủ tục cấp sổ BHXH cho người lao động, nay người lao động cung cấp sổ BHXH cũ. Như vậy người lao động có 2 sổ, đơn vị phải làm thủ tục gì?
Trả lời: Theo quy định mỗi người lao động chỉ được cấp 1 quyển sổ BHXH. Đơn vị cần lập công văn giải trình (kèm theo 2 quyển sổ BHXH của NLĐ) để cơ quan BHXH lập thủ tục chuyển 2 sổ thành 1 theo quy định. Sổ BHXH được cấp đầu tiên sẽ được giữ lại để đóng và ghi nhận quá trình tham gia BHXH.
Thời gian tham gia BHXH của tôi từ 21/01/2001 đến 15/09/2010 tôi nghỉ việc, tôi tham gia BHTN 1 năm 9 tháng nhưng không làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp đến 15/09/2011 tôi làm thủ tục hưởng BHXH 1 lần ( sổ BHXH cơ quan BH đã thu lại). Cho tôi hỏi thời gian tham gia BHTN 1 năm 9 thang đó tôi có được bảo lưu sang công ty mới không. Nếu có thì thủ tục như thế nào?
Khi hưởng BHXH 1 lần cơ quan BHXH không thu sổ của NLĐ, trong trường hợp như vậy bạn liên hệ nhận lại sổ để bảo lưu thời gian thất nghiệp.
Câu hỏi: Phụ cấp độc hại có phải tính thuế thu nhập cá nhân không?
Trả lời: Theo quy định tại thông tư 84/2008/TT-BTC: Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm thuộc các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.
Câu hỏi: Tôi xin hỏi có quy định nào về việc miễn thuế TNCN đối với số Thu nhập từ làm thêm giờ phải tính dựa trên cơ sở lương tháng/26 ngày không?
Trả lời: Theo hướng dẫn tại Thông tư 84/2008/TT- BTC, hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập cá nhân, phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ: Một cá nhân có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 20.000 đồng/giờ.
– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, được trả 30.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
30.000 đồng/giờ – 20.000 đồng/giờ = 10.000 đồng/giờ
– Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 40.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
40.000 đồng/giờ – 20.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ.
Câu hỏi: Tiền ăn có tính thuế TNCN hay không?
Trả lời: Theo Điều 1, Thông tư 62/2009/TT-BTC
Đối với khoản tiền ăn giữa ca: không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động nếu người sử dụng lao động trực tiếp tổ chức bữa giữa ca cho người lao động.
Trường hợp, đơn vị chi trả thu nhập không trực tiếp tổ chức bữa ăn ca mà chi tiền ăn ca trực tiếp cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế thuế của người lao động nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trường hợp chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động.
=> Như vậy là tiền ăn giữa ca sẽ không phải chịu thuế TNCN, NHƯNG với điều kiện sau:
– TT 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2008:
Căn cứ khẩu phần ăn để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, chỉ số giá sinh hoạt và khả năng chi trả của công ty, Giám đốc công ty sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định mức ăn cho một bữa ăn giữa ca nhưng tối đa tiền chi cho bữa ăn giữa ca tính theo ngày làm việc trong tháng cho một người không quá 450.000 đồng/tháng.
– TT 10/2009/TT-BLĐTBXH ngày 24-04-2009 quy định mức lương tối thiểu chung – mức tiền ăn giữa ca:
Khi thực hiện mức lương tối thiểu chung quy định tại Thông tư này thì mức tiền chi cho bữa ăn giữa ca tính theo ngày làm việc trong tháng cho một người lao động trong các công ty, tổ chức, đơn vị quy định tại mục I Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong công ty nhà nước không vượt quá 550.000 đồng/tháng.
*** Như vậy, nếu tiền cơm giữa ca của nhân viên công ty là 550.000VNĐ/ tháng thì không phải chịu thuế thu nhập. Còn nếu số tiền cơm giữa ca cao hơn thì nhân viên đó sẽ phải chịu thuế thu nhập phần chênh lệch.
Câu hỏi: Tôi đang gặp 2 trường hợp. – Trường hợp 1: Công nhân thôi việc do chấm dứt HĐLĐ được trợ cấp 1 khoản tiền chi từ quĩ dự phòng trợ cấp mất việc làm (Tiền của công ty hỗ trợ) – Trường hợp 2: Tập đoàn CN Than KSVN chi hỗ trợ thêm cho người về hưu trước tuổi, lao động được hưởng trợ cấp thôi việc 1 lần từ quỹ sắp xếp đổi mới cơ cấu lao động. Tôi biết các khoản thu nhập này là khoản thu nhập chịu thuế TNCN. Cách tính thuế thu 10% hay là tính bình quân vào tổng thu nhập của người lao động theo 02 trường hợp trên.
Trả lời: Theo quy định tại thông tư 84/2008/TT-BTC:
Các khoản phụ cấp, trợ cấp kể cả sinh hoạt phí mà người lao động nhận được, trừ một số khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định tại điểm 2.2 đều được tính là thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ CQCT.
Vì vậy, tùy theo HĐLĐ của từng người lao động với công ty bạn mà công ty bạn tạm khấu trừ thuế TNCN:
– HĐLĐ trên 3 tháng: khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
– HĐLĐ dưới 3 tháng: khấu trừ 10% tổng số tiền trợ cấp cho người lao động.
Câu hỏi: Cho tôi hỏi trợ cấp thai sản do BH chi trả là khoản thu nhập không chịu thuế có đúng không?
Trả lời: Theo quy định tại thông tư 84/2008/TT-BTC:
Các khoản trợ cấp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và Bộ luật lao động trong đó có:
– Trợ cấp một lần sinh con, nhận con nuôi.
– Các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội trả
Sẽ được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.
Nên trường hợp bạn hỏi: nếu là trợ cấp thai sản hay trợ cấp ốm đau do BHXH chi trả thì khoản thu nhập đó không phải chịu thuế TNCN.
Câu hỏi: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 74, Điều 75 và Khoản 2 Điều 77 Bộ luật Lao động, thì NLĐ có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một NSDLĐ thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo số ngày như sau: – 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; – 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt và đối với người dưới 18 tuổi; – 16 ngày làm việc, đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt. Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một NSDLĐ, cứ 5 năm được nghỉ thêm một ngày. NLĐ có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể được thanh toán bằng tiền. VD: Tại thời điểm ký hợp đồng (1 năm từ 1/2/2011-1/2/2012) – TH1: Hiện tại theo mình được biết có 1 số doanh nghiệp đến hết tháng tức (30/2/2011) là được 1 ngày phép năm – TH2: nhưng có 1 số doanh nghiệp tới năm sau tức 1/2/2012 mới bắt đầu tính 1 ngày phép năm … rồi tăng dần phép năm theo số tháng tiếp đó Đối với TH2 cho hỏi có đúng ko, có một số doanh nghiệp buộc nhân viên tự ý sắp xếp phép năm, nếu ko nghỉ thì hết năm không tính phép năm, vậy có đúng luật ko, hoặc có công văn nào xử phạt đối với việc không thanh toán phép năm cho người lao động không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 74, Điều 75 và Điều 76 của Bộ Luật lao động, đối với người lao động có đủ 12 tháng làm việc (không nhất thiết phải tính từ ngày 01/1 đến ngày 31/12 dương lịch) tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì có quyền được hưởng ngày nghỉ hàng năm. Người sử dụng lao động phải bảo đảm quyền lợi này (số ngày nghỉ hàng năm cho người lao động), quy định lịch nghỉ hàng năm sau khi tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở và phải thông báo cho mọi người trong doanh nghiệp. Ngày nghỉ hàng năm của năm nào thì phải được bố trí ngay trong năm đó,
(chỉ trong trường hợp làm việc tại vùng xa xôi, hẻo lãnh và có yêu cầu người lao động động thì mới được cộng gộp ngày nghỉ).
Như vậy, doanh nghiệp phải bố trí ngày nghỉ phép hàng năm cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2011 đến ngày 1/2/2012 (đủ 1 năm dương lịch).
Thứ hai, lịch nghỉ hàng năm phải được doanh nghiệp lập từ đầu năm (sau khi có ý kiến của công đoàn) và công bố công khai đến từng người lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động đã bố trí lịch nghỉ hàng năm nhưng người lao động (không nghỉ hết số ngày đó) và tự nguyện đi làm vào những ngày này, thì người sử dụng lao động chỉ phải trả nguyên lương cho những ngày làm việc đó. Thời gian tính phép được tính theo ngày hợp đồng lao động có hiệu lực (theo khoản 1 Điều 33: từ ngày giao kết hoặc từ ngày do hai bên thỏa thuận, hoặc từ ngày người lao động bắt đầu làm việc, tuy theo công ty bạn thống nhất với công đoàn và người lao động).
Câu hỏi: Xin vui lòng cho biết khoản tiền trợ cấp được tính theo lương thực lĩnh hay lương cơ bản (có nhân hệ số) trong hợp đồng lao động.
Trả lời: Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 114/2002/NĐ-CP của Chính phủ thì Tiền lương làm căn cứ tính các chế độ trợ cấp mất việc/thôi việc là tiền lương theo HĐLĐ, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).
Câu hỏi : Tôi làm việc tại Công ty CDCC theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Từ năm 2011 trở về trước, Cty hằng tháng trích 28,5% tiền lương của tôi để nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT). Vừa qua, tôi xin thôi việc. Nhưng sau hơn 2 tháng kể từ ngày tôi nộp đơn, Công ty chỉ ra quyết định cho tôi nghỉ việc không hưởng lương. Đề nghị luật sư tư vấn, việc thu tiền bảo hiểm và cách giải quyết đề nghị thôi việc của Cty có đúng luật không?
Trả lời: Tiến sĩ – luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch HĐTV Cty luật TNHH YouMe (ĐT: 0913.55.99.44. Website: www.youmevietnam.com) trả lời:
1. Theo quy định tại khoản 1, Điều 91 Luật BHXH (có hiệu lực từ 1.1.2007) thì hằng tháng, người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên đóng bằng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%.
Theo quy định tại điểm a khoản 1, Điều 13 Luật BHYT, thì mức đóng hằng tháng của NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên này tối đa bằng 2% mức tiền lương, tiền công tháng của NLĐ (áp dụng từ ngày 1.7.2009).
Nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), theo quy định tại khoản 1, Điều 102 Luật BHXH, thì NLĐ còn phải đóng 1% tiền lương, tiền công tháng cho quỹ BHTN (áp dụng từ ngày 1.1.2009).
Căn cứ vào các quy định trên, việc Cty trích tới 28,5% tiền lương, tiền công tháng của ông để nộp BHXH, BHYT là trái với quy định của pháp luật về BHXH và BHYT.
2. Theo quy định tại khoản 3, Điều 37 Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung: NLĐ làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng LĐ biết trước 45 ngày, NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất 3 ngày. Tại điểm b khoản 1, mục III thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ngày 22.9.2003 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9.5.2003 của Chính phủ về HĐLĐ, thì việc báo trước thực hiện bằng văn bản và số ngày báo trước của NLĐ trong trường hợp này là ngày làm việc.
Như vậy, nếu ông đã có văn bản thông báo nghỉ việc gửi người sử dụng LĐ, thì khi hết thời hạn 45 ngày làm việc kể từ thời điểm gửi đơn, ông có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Theo: Báo Lao Động
Ngày 10/12/2013, Tổng Cục Thuế có ban hành Công văn số 4291/TCT-CS hướng dẫn về việc viết tắt tên, địa chỉ trên hóa đơn như sau:
Tại Khoản 2b Điều 14 Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:
“Nội dung trên hóa đơn đã lập: Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”: ghi tên đầy đủ hoặc tên viết tắt theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.”
Như vậy, về nguyên tắc, khi lập (nhận) hóa đơn, tiêu thức tên, địa chỉ của người bán và người mua được ghi theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế.
Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: “Phường” thành “P”; “Quận” thành “Q”, “Thành phố” thành “TP”, “Việt Nam” thành “VN” hoặc “Cổ phần” là “CP”, “Trách nhiệm Hữu hạn” thành “TNHH”, “khu công nghiệp” thành “KCN”, “sản xuất” thành “SX”, “Chi nhánh” thành “CN”… nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp thì vẫn được xem là hợp pháp, được sử dụng để kê khai, khấu trừ thuế
Theo Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp và các Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 1 năm 2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
PHÒNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP THÔNG BÁO
ĐIỀU KIỆN THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÀ HỒ SƠ XÉT HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
QUY ĐỊNH NHƯ SAU:
I. Điều kiện người lao động được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp :
– Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng LĐ theo quy định của pháp luật LĐ hoăc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
– Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở LĐTB&XH trong vòng 7 ngày (tính theo ngày làm việc) khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng LĐ hoặc hợp đồng làm việc;
– Đã hoàn thiện và nộp hồ sơ hưởng BHTN trong vòng 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày đăng ký thất nghiệp;
– Chưa tìm đựơc việc làm sau 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm GTVL trực thuộc Sở LĐTB&XH;
– Không thuộc đối tượng hưởng lương hưu.
II. Đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp:
– Người lao động phải trực tiếp đến phòng Bảo hiểm thất nghiệp – Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTB&XH đăng ký thất nghiệp trong vòng 7 ngày (tính theo ngày làm việc) từ ngày chấm dứt hợp đồng LĐ hoặc hợp đồng làm việc.
– Người lao động sẽ được nhân viên phòng Bảo hiểm thất nghiệp tư vấn, phát mẫu đơn đăng ký thất nghiệp và có trách nhiệm khai đầy đủ nội dung theo yêu cầu nộp cho phòng Bảo hiểm thất nghiệp.
III. Hồ sơ hưởng BHTN:
– Người LĐ có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng BHTN sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.
* Hồ sơ hưởng BHTN gồm:
+ Đơn đề nghị hưởng BHTN (theo mẫu);
+ Bản sao HĐLĐ (HĐLV) đã hết hạn hoặc thoả thuận chấm dứt HĐLĐ (HĐLV) hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp;
+ Xuất trình sổ BHXH đã được cơ quan BHXH trực tiếp quản lý xác nhận(bản sao);
+ Bản sao giấy tờ cá nhân CMTND (hoặc Hộ chiếu, Hộ khẩu…..);
Sau khi người lao động hoàn tất hồ sơ nộp cho phòng Bảo hiểm thất nghiệp, phòng Bảo hiểm thất nghiệp sẽ xem xét đánh giá đề nghị hưởng BHTN của người LĐ và trình lên cấp trên ra Quyết định trợ cấp thất nghiệp trong vòng 20 ngày (tính theo ngày làm việc).
Làm thế nào để có thể bảo vệ chi phí cho doanh nghiệp trong khi không thể giảm được tiền mua hàng hóa đầu vào, không thể giảm được lương của nhân viên, không thể giảm được tiền thuế nhà… Vậy chỉ còn cách duy nhất là giảm thuế phải nộp. Nhưng có cách nào để đóng thuế ít nhất? Luôn là mong muốn không chỉ của Doanh nghiệp mà ngay cả các bạn làm kế toán thuế cũng rất quan tâm và bài toán đặt ra cho chúng ta là làm thế nào phải đóng thuế ít mà vẫn không vi phạm pháp luật.
Có ba thuật ngữ mà ranh giới của chúng cũng không thực sự rõ ràng ‘Trốn thuế”, “Tránh thuế” và “Lập kế hoạch thuế”, và nếu vận dụng không tốt có thể khiến ta mặc dù không có ý định vi phạm pháp luật lại thành ra có tội.
– Trốn thuế đó là việc thực hiện các phương thức mà pháp luật không cho phép để giảm số thuế phải nộp. Có hai động thái chính là (1) giấu thông tin mà lẽ ra phải cung cấp cho cơ quan nhà nước ví dụ như bán hàng nhưng không xuất hoá đơn để giảm doanh thu (2) tạo ra thông tin không có thật ví dụ như mua hoá đơn để tăng chi phí được khấu trừ thuế, tạo hồ sơ giả để hoàn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu. Hiển nhiên việc trốn thuế là phi pháp và có thể bị kết án.
– Tránh thuế khó định nghĩa hơn một chút. Ở một khía cạnh nào đó, đó là việc sử dụng các phương thức trong khuôn khổ của pháp luật để giảm thiểu chi phí thuế ví dụ việc vận dụng các chính sách ưu đãi thuế hoặc áp dụng các khoảng trống mà pháp luật chưa quy định tới để thực hiện các giao dịch. Ở đây chúng ta phải rất thận trọng vì nếu sa sẩy một bước chân có thể từ tránh thuế hợp pháp sang trốn thuế bất hợp pháp.
– Lập kế hoạch thuế có một ý nghĩa bao quát hơn, mang tầm chiến lược, đó là việc tối ưu hoá số thuế phải nộp trong khuôn khổ của pháp luật. Tối ưu hoá chứ không phải là giảm thiểu. Giảm thiểu là việc giảm được thuế phải nộp nhưng hệ lụy của nó có thể là làm tăng một số chi phí khác hoặc giảm thu nhập. Tối ưu hoá thuế, có nghĩa là làm sao đó để mức giảm thuế là tương đối so với việc giảm thu nhập hoặc gia tăng các chi phí khác. Nói cách khác là chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận tăng mức thuế phải nộp nếu tốc độ tăng của thuế thấp hơn tốc độ tăng của thu nhập. Để làm được việc này, người lập kế hoạch thuế phải có được một cái nhìn, một bức tranh tổng thể trong mối tương tác giữa kinh doanh và các loại thuế có thể có tác động tới túi tiền của chúng ta.
Bản chất của Lập kế hoạch thuế là quá trình tìm kiếm các giải pháp về thuế khác nhau để xác định khi nào, như thế nào và liệu có nên thực hiện một số giao dịch để tối ưu hoá số thuế phải nộp.
Chiến lược thuế được dựa trên cơ sở vận dụng (1) giá trị thời gian của tiền tức là việc đóng thuế sớm hay muộn và (2) chênh lệch giá trị tính thuế tức là thu nhập chịu thuế nhiều hay ít và (3) chênh lệch thuế suất do yếu tố thuế suất các loại hình kinh doanh khác nhau, thuế suất tại các nước khác nhau là khác nhau.
Có bốn phương thức thường được vận dụng trong lập kế hoạch thuế (1) tạo mới (2) chuyển đổi (3) thời gian (4) chia tách:
Để hiểu rõ hơn về bốn phương thức này, chúng ta hãy cùng sử dụng các luật thuế hiện hành để phân tích và lấy ví dụ.
– Phương thức 1: Tạo mới là việc tận dụng các ưu đãi, lợi ích về thuế từ việc tạo ra các chi nhánh, công ty con, ví dụ thành lập mới tại địa bàn có mức thuế suất thấp.
– Phương thức 2: Chuyển đổi là việc thay đổi cơ chế hoạt động, thay đổi bản chất giao dịch để tài sản và thu nhập đuợc tạo ra chịu mức thuế suất thấp hơn nếu không thực hiện chuyển đổi
– Phương thức 3: Thời gian là việc dịch chuyển giá trị chịu thuế sang kỳ tính thuế có lợi hơn.
– Phương thức 4: Chia tách là việc chia giá trị chịu thuế cho hai hay nhiều đối tượng chịu thuế để làm giảm tổng thuế phải nộp của tất cả đối tượng chịu thuế.
Nhưng trong năm 2013 đánh dấu một sự kiểm soát mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những năm trước đó. Không chỉ quản lý chặt chẽ trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn, các chi cục thuế còn thường xuyên kết hợp với công an phường kiểm tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, rà soát liên tục các doanh nghiệp có lượng tồn thuế (tồn kho hàng hóa) quá lớn, yêu cầu giải trình thường xuyên… chính vì vậy, dù có muốn doanh nghiệp đóng thuế ít nhất đòi hỏi người kế toán phải là người nhanh nhạy để biết được rằng, con số nào là phù hợp với doanh nghiệp của mình.
Một kế toán viên ngày nay phải quản lý hàng tá hóa đơn, chứng từ, sổ sách của doanh nghiệp, điều này đòi hỏi kế toán phải có một quy trình sắp xếp, lưu trữ hóa đơn chứng từ khoa học sao cho dễ dàng tìm kiếm, tiết kiệm thời gian. Nhưng một ngày không may hóa đơn rất quan trọng của bạn bỗng dưng biến mất. Câu hỏi đặt ra là bạn phải làm thế nào để khắc phục ? đơn vị của bạn sẽ bị phạt như thế nào?
Với trường hợp này, kế toán cần phải làm theo các bước sau:
– Báo ngay với cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị của bạn, tức đơn vị đăng ký kê khai thuế.
– Yêu cầu bên bản sao y liên một để có cơ sở hoạch toán kế toán và kê khai thuế.
Nếu mất hoá đơn nhưng chưa hết niên độ tài chính thì đơn vị bạn sẽ bị xử phạt hành chính qui định tại Nghị định 89/2002/NĐ-CP.
Căn cứ theo quy định tại điểm 1.7.b mục VI phần B Thông tư số120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về hoá đơn. Trường hợp tổ chức, cá nhân mua hàng làm mất hoá đơn mua hàng bản gốc (liên 2) do hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hoả hoạn, bị mất cắp thì được giải quyết khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT), hoàn thuế GTGT, tính chi phí hợp lý.
Trong các trường hợp nêu trên, tổ chức, cá nhân phải:
– Khai báo hóa đơn
– Lập biên bản số hoá đơn bị mất
– Lý do mất có xác nhận của cơ quan thuế đối với trường hợp thiên tai, hoả hoạn, xác nhận của cơ quan công an địa phương đối với trường hợp bị mất cắp.
Hồ sơ liên quan đến hành vi làm mất hoá đơn gồm:
– Công văn, đơn của tổ chức, cá nhân về việc làm mất hoá đơn.
– Biên bản mất hoá đơn mua hàng.
– Bản sao hoá đơn mua hàng (liên1) có xác nhận ký tên, đóng dấu (nếu có) của bên bán hàng.
Còn trường hợp “do sơ suất trong quá trình vận chuyển ” thì không được khấu trừ thuế GTGT. Nếu thực tế xác định được doanh nghiệp có mua hàng hoá, dịch vụ nguồn gốc hợp pháp và sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì được thực hiện ấn định chi phí mua hàng làm căn cứ tính thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp (TNDN) theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế.
Xử lý trong trường hợp mất, cháy, hỏng hoá đơn theo thông tư 153/2010/TT-BTC :
1. Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh nếu phát hiện mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
2. Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán đã lập hóa đơn theo đúng quy định nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập thì người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản và người bán sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua. Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hoá đơn.
Mức xử phạt theo nghị định 51/2010/NĐ-CP: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm mất hóa đơn đã lập (liên giao cho người mua) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách
Hướng dẫn cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp trực tiếp và phương pháp khấu trừ theo Luật số 31/2013/QH13, Nghị định Số 209/2013/NĐ-CP và Thông tư 156/2013/TT-BTC mới nhất hiện nay.
Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
1. Cách tính thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT:
Số thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng x Thuế suất thuế GTGT
Trong đó:
– Thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10% áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.
– Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng:
GTGT = Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra – Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào
Trong đó
+ Giá thanh toán bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm.
+ Giá thanh toán mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế giá trị gia tăng dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.
2. Cách xác định đối tượng kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:
– Hộ, cá nhân kinh doanh;
– Những Doanh nghiệp có doanh thu hàng năm < 1 tỷ đồng, (Trừ trường hợp đăng ký kê khai theo pp khấu trừ)
– Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, (Trừ trường hợp đăng ký kê khai theo pp khấu trừ)
– Tổ chức kinh tế khác, (Trừ trường hợp đăng ký kê khai theo phương pháp khấu trừ)
Cách xác định Doanh thu
– Những doanh nghiệp (DN) đã hoạt động từ trước năm 2013 thì căn cứ vào tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT tháng của kỳ khai thuế từ tháng 12/2012 đến hết tháng 11/2013.
– Những DN mới thành lập trong năm 2013 thì xác định như sau: Tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của các tháng trong năm 2013 chia số tháng hoạt động và nhân với (x) 12 tháng.
– Những DN thực hiện kê khai theo quý từ tháng 7 năm 2013 thì xác định như sau: Tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng 10, 11, 12 năm 2012, 6 tháng đầu năm 2013 và trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 3 năm 2013.
3. Cách tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu:
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu
Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
1. Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Số thuế giá trị gia tăng đầu ra – Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ
Trong đó:
a. Tính số thuế GTGT đầu ra:
Số thuế GTGT đầu ra = Tổng số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn GTGT.
Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn GTGT = Giá tính thuế của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ đó
Nếu chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì:
Thuế GTGT đầu ra = giá thanh toán – giá tính thuế xác định theo quy định tại Điều 4 Nghị định 209/2013/NĐ-CP
b. Tính số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:
Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ = Tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng điều kiện quy định tại quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP.
2. Cách xác định đối tượng kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
– DN thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ bao gồm:
a) DN đang hoạt động có doanh thu hàng năm > 1 tỷ đồng (trừ hộ, cá nhân kinh doanh)
– Thời gian áp dụng ổn định phương pháp tính thuế là hai năm liên tục.
Cách xác định Doanh thu
– Những DN đã hoạt động từ trước năm 2013 thì căn cứ vào tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT tháng của kỳ khai thuế từ tháng 12/2012 đến hết tháng 11/2013.
– Những DN mới thành lập trong năm 2013 thì xác định như sau: Tổng cộng chỉ tiêu“Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của các tháng trong năm 2013 chia số tháng hoạt động và nhân với (x) 12 tháng.
– Những DN thực hiện kê khai theo quý từ tháng 7 năm 2013 thì xác định như sau: Tổng cộng chỉ tiêu “Tổng doanh thu của HHDV bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng 10, 11, 12 năm 2012, 6 tháng đầu năm 2013 và trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 3 năm 2013.
b) DN đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, (trừ hộ, cá nhân kinh doanh), gồm:
– DN đang hoạt động có doanh thu hàng năm < 1 tỷ đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hoá đơn, chứng từ.
– Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ;
– Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
– Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra.
Nguồn: Tổng hợp Internet
Đối với Laptop thì pin là vấn đề lớn vì nó quyết định khả năng “di động” của máy, thế nhưng, để sử dụng pin laptop đúng cách, hiệu quả thì không phải ai cũng biết.
Có một thực tế là hầu hết Laptop đều rất nhanh chóng bị hỏng pin mà phần lớn đều do người dùng chưa biết cách sử dụng đúng trong khi pin lại mang tính quyết định đối với tính di động của máy. Dưới đây là một số phương pháp để sử dụng pin Laptop hiệu quả và lâu bị chai.
1. Quản lý nguồn điện hiệu quả
Sử dụng phần mềm quản lý nguồn điện trong laptop có thể tiết kiệm nhiều năng lượng và kéo dài thời gian sử dụng pin hơn.
Nếu máy có tích hợp chức năng tạo profiles quản lý nguồn riêng thì hãy lựa chọn profiles phù hợp nhất với bạn mà vẫn đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Hãy nhấn Start > Control Panel > Performance and Maintenance >Power Options. Trong Power Schemes, lựa Max Battery và nhấn OK.
Lựa chọn này sẽ tắt màn hình sau 1 phút và đưa máy tính xách tay của bạn về chế độ chờ (standby) sau 2 phút không sử dụng.
Nếu thấy không thích hợp, hãy chuyển qua lựa chọn Portable/Laptop, lựa chọn này sẽ đưa về chế độ chờ sau 5 phút.
2. Để pin phục vụ lâu hơn giữa các lần sạc
Nếu màn hình tối hơn sẽ tiết kiệm năng lượng thì tắt màn hình khi không sử dụng tới luôn là phương pháp tiết kiệm nhất.
Ngoài ra, bạn có thể loại bỏ các PC card và các kết nối USB không cần thiết. Máy tính xách tay thường tích hợp sẵn wifi, chức năng này tiêu tốn khá nhiều năng lượng, do đó khi không cần dùng đến hãy tắt chức năng này.
3. Giữ pin ở nhiệt độ mát mẻ
Nhiệt độ có thể làm hỏng pin và ảnh hưởng ở mọi góc độ đến nó.
Khi bạn sử dụng laptop, hãy bảo đảm rằng các lỗ thông hơi không bị che lấp. Không bao giờ làm việc với laptop trên gối hoặc chăn. Nếu có thể, hãy đặt nó trên một khung có các lỗ thoáng bên dưới để không khí có thể lưu thông.
Thêm vào đó, nên vệ sinh sạch sẽ các lỗ thông hơi bằng dụng cụ bơm bụi hoặc bình nén khí. Bạn có thể mua những thứ như vậy tại các cửa hàng máy tính. Thực hiện vệ sinh bơm bụi chỉ khi laptop đã được tắt.
4. Lau sạch điểm tiếp xúc
Điểm tiếp xúc giữa pin và máy có thể làm giảm hiệu suất sử dụng của pin. Hãy lau sạch điểm tiếp xúc bằng kim loại giữa pin và máy hàng tháng bằng vải mềm có tẩm cồn.
Điều này sẽ giảm thiểu thất thoát năng lượng do tiếp xúc kém.
5. Điều chỉnh lại pin 1-2 tháng/lần
Sau một thời gian sử dụng, sẽ có hiện tượng mạch quản lý lượng pin không nhận đúng dung lượng pin (giống như đồng hồ chạy sớm/trễ), hoặc pin bị chai. Do đó, Recalibrate (điều chỉnh lại) sẽ giúp cải thiện vấn đề này.
Cách Recalibrate pin:
– Cắm sạc đầy pin, sau đó rút sạc và dùng bình thường cho tới khi gần cạn pin, lúc còn khoảng 7 – 10% thì bạn khởi động lại máy và vào chế độ Bios, để nguyên máy đó tới lúc 0% và máy tự tắt vì cạn pin.
– Để pin ở tình trạng 0% đó trong khoảng 6 – 8 tiếng, sau đó cắm sạc lại và dùng bình thường.
6. Không để pin bị vắt kiệt thường xuyên.
Việc “vắt kiệt đến giọt cuối cùng” đối với pin lithium (loại pin hiện được sử dụng cho các laptop ngày nay) sẽ làm cho pin trở nên kém đi.
Nếu chỉ là một hoặc hai lần thì chưa có sự ảnh hưởng, tuy nhiên nếu bạn cứ liên tục để tình trạng này diễn ra thì pin của bạn sẽ ra đi rất nhanh.
Theo Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập vừa được Chính phủ ban hành, có 9 nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
9 nhóm đối tượng gồm:
1- Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
2- Cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3- Sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, Phó trưởng công an phường, thị trấn, Phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.
4- Người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
5- Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.
6- Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soán, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp Nhà nước, người là đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước và giữ chức danh quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nNà nước.
7- Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; Trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp-hộ tịch xã, phường, thị trấn.
8- Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên Nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên Nhà nước.
9- Người không giữ chức vụ quản lý trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực theo quy định như tổ chức cán bộ, tài chính, ngân hàng, công thương, xây dựng, giao thông, y tế…
Tài sản, thu nhập phải kê khai
Theo Nghị định, tài sản, thu nhập phải kê khai gồm:
– Các loại nhà, công trình xây dựng: Nhà, công trình xây dựng khác đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu; nhà, công trình xây dựng khác chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác; nhà, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước.
– Các quyền sử dụng đất: Quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng; quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.
– Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
– Tài sản ở nước ngoài.
– Ô tô, mô tô, xe máy, tàu, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
– Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
– Các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.
– Tổng thu nhập trong năm.
Tài sản, thu nhập phải kê khai là tài sản, thu nhập thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng của bản thân, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên tại thời điểm hoàn thành Bản kê khai.
Việc kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31/12 hằng năm.
Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2013.
Theo tapchitaichinh