Gần 88,8% công nhân phải làm thêm giờ mới đủ sống
Gần 88,8% công nhân phải làm thêm giờ mới đủ sống
Lương thấp nên 88,8% công nhân phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Hiện công nhân thích làm tăng ca không phải để tích lũy mà để đủ sống. Tăng ca đồng nghĩa sẽ có thêm bữa ăn chiều tại công ty, được thêm tiền lương tăng ca, bớt thời gian sử dụng điện, nước ở nhà trọ…
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chủ trì hội thảo “Vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay”.
Thông tin trên được Tổng LĐLĐVN đưa ra tại cuộc hội thảo “Vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay”.
Theo Tổng LĐLĐVN, cả nước hiện có hơn 2,4 triệu công nhân (CN) làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) với 60 – 70% là lao động (LĐ) nữ và phần lớn là LĐ di cư đến từ nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng đời sống gia đình để công nhân ổn định tại các KCN cho thấy nhiều khó khăn thách thức.
Một trong những tác động đến đời sống hôn nhân của các gia đình hiện nay là tiền lương, thu nhập thực tế của đa số CN hiện nay còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Lương thấp, kết quả là 88,8% CN phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Thông tin về kết quả khảo sát, đại diện Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN cho hay: CN coi việc làm thêm giờ là một giải pháp để tăng thu nhập khi mà nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống ngày càng tăng. Bởi vậy, chỉ có 62,1% CN được hỏi cho rằng gia đình mình thường xuyên sinh hoạt chung đầy đủ mọi người. Trong khi đó, có 37,8% CN được hỏi cho biết thỉnh thoảng hoặc rất hiếm khi cả gia đình đông đủ các thành viên trong bữa cơm gia đình. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự gắn kết gia đình CNLĐ.
Tiền lương và thu nhập thấp dẫn đến áp lực về đời sống vật chất khiến bộ phận CN chưa lập gia đình khó khăn trong tìm bạn đời, xây dựng hạnh phúc gia đình; bộ phận CN đã có gia đình (mà bạn đời cũng làm CN có hoàn cảnh tương tự chiếm 68%) cũng phải tằn tiện trong chi tiêu để trang trải cho cuộc sống mà nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng. Chất lượng cuộc sống thấp dẫn ảnh hưởng đến sức khỏe của CN và chất lượng giống nòi khi họ sinh con.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường và Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tặng quà, động viên gia đình CNLĐ KCN Bắc Thăng Long đang thuê trọ tại Đông Anh
Bà Bùi Phương Chi- Trưởng Phòng công tác giới, Ban Nữ Công Tổng LĐLĐVN cho biết: Hầu hết các KCN hiện nay chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người LĐ; đời sống tinh thần của công nhân còn nghèo nàn; có tình trạng mất cân bằng giới tính tại KCN; tiền lương, thu nhập chưa đáp ứng được mức chi tiêu cơ bản hàng ngày của người LĐ… dẫn đến áp lực về đời sống vật chất khiến phần lớn CNLĐ lúng túng khi lựa chọn bạn đời và lo lắng các điều kiện cần và đủ để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Từ thực tế tại địa phương, bà Nguyễn Thị Hương – Phó Chủ tịch Công đoàn KCN Bắc Ninh nêu vấn đề: Tại Bắc Ninh có những đơn vị trên 90% LĐ nữ nên việc tìm bạn đời của LĐ nữ gặp nhiều khó khăn, chưa kể khi LĐ lập gia đình sinh con xong, phải gửi con về quê nhờ bố mẹ trông giúp vì không có nhà trẻ. Đặc biệt, một trong những vấn đề đáng báo động hiện nay là tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai chui… trong nữ CNLĐ gia tăng.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng khẳng định, thời gian qua, Đảng Nhà nước rất quan tâm đến quyền con người, đặc biệt riêng vấn đề hôn nhân và gia đình, cụ thể Quốc hội đã ban hành Luật và đã sửa đổi Luật hôn nhân gia đình.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng cũng nhấn mạnh: Công đoàn không thể là tổ chức duy nhất, mà rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành từ việc thực hiện giám sát các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình; các yếu tố để chăm lo sức khỏe cho người LĐ trong cộng đồng như các thiết chế về văn hóa, tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân…
Về phía Tổng LĐLĐVN, Tổng LĐLĐVN luôn chỉ đạo các cấp CĐ thường xuyên quan tâm, luôn đồng hành người LĐ, thường xuyên nắm bắt kịp thời và tổ chức nghiên cứu đánh giá tình hình việc làm, đời sống, những khó khăn, bức xúc của CN, nhất là CN nhập cư, CN đang nuôi con nhỏ… dưới tác động của khủng hoảng kinh tế và lạm phát để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phát hiện kịp thời những bức xúc phát sinh mới làm cơ sở kiến nghị với Đảng và Nhà nước.
Để có kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã phân tích và chọn mẫu, phát 1.500 phiếu hỏi công nhân ở nơi có đông KCN, đông CNLĐ làm việc trong các KCN tại 9 tỉnh, thành phố, gồm: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Khánh Hòa, TP.Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
Theo B.D
Lao động thủ đô