Đào tạo nhân lực phù hợp cách mạng công nghiệp 4.0

Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, tay nghề cao để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc CMCN 4.0.

Doanh nghiệp chưa sẵn sàng với CMCN 4.0

Ông Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề công nghệ cao cho biết, trước khi diễn ra cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Việt Nam có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào, tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu từ tây sang đông, từ bắc xuống nam.

Tuy nhiên, khi CMCN 4.0 thâm nhập sâu rộng thì những điều trên sẽ thay đổi, làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ, cũng như lợi thế địa kinh tế khi đưa công nghệ chế tạo quay lại các nước phát triển để gần thị trường tiêu thụ và các trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Kết quả khảo sát 2 nghìn doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho thấy, nhiều DN chưa hề có tâm thế chuẩn bị đón nhận cơ hội và có chiến lược đối phó với cuộc CMCN 4.0, trong đó: có 85% DN thể hiện được sự quan tân đến cuộc CMCN 4.0; 55% DN đánh giá cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm; 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.

Tuy nhiên, trong số DN được khảo sát, có đến 79% cho biết họ chưa làm gì để đón nhận cuộc CMCN 4.0; 55% DN đang tìm hiểu, nghiên cứu; 19% DN đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% DN đang triển khai.

“Việt Nam có thể sẽ là nước chịu tác động rất mạnh mẽ bởi cuộc CMCN 4.0, trong đó lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam được cho là có nguy cơ bị máy móc đào thải với tỷ lệ cao nhất khu vực ASEAN” – ông Khánh nhận định.

Theo ông Khánh, Việt Nam chưa phải chứng kiến những tác động sâu rộng của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ tương tự như một số nước láng giềng khác trong khu vực ASEAN. Điều này chủ yếu là do chi phí nhân công thấp vẫn còn là yếu tố cạnh tranh cùng với chi phí đầu tư khá lớn vào công nghệ.

Tuy nhiên, những sáng kiến như tự động hóa bằng rô bốt đã bắt đầu thâm nhập vào các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả ngành dệt may – da giày và ngành sản phẩm điện – điện tử trên toàn khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Huy động tối đa DN tham gia giáo dục nghề nghiệp 

Ông Khánh cho rằng, thực tế trên cùng với việc đa số DN Việt Nam là DN vừa và siêu nhỏ đặt ra thách thức lớn cho bản thân DN và các nhà hoạch định chính sách khi xây dựng chiến lược tổng thể tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc CMCN 4.0.

Theo ông Khánh, Chính phủ nên xem xét và thực hiện các chính sách hỗ trợ việc sớm áp dụng tự động hóa, đầu tư cho công nghệ tự động hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Đây chính là hướng tiếp cận chủ động đón đầu tận dụng cơ hội có thể mang lại của cuộc CMCN 4.0 cho Việt Nam. Không có công nghệ 4.0 thì không thể có nhân lực 4.0.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, tay nghề cao, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo về công nghệ, gắn kết chặt chẽ giữa các vườn ươm khởi nghiệp, các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sản phẩm sáng tạo của các cơ sở đào tạo kết nối với DN.

Đặc biệt, Chính phủ cần bổ sung cơ chế chính sách để huy động tối đa sự tham gia của các DN vào hoạt động GDNN và phát triển cơ sở có hoạt động GDNN tại DN. Các DN có hoạt động GDNN, các chi phí đào tạo được tính trong chi phí giá thành, được miễn, giảm thuế thu nhập DN hoặc được trích một phần thu nhập trước thuế để thực hiện hoạt động đào tạo. Khuyến khích DN đóng góp kinh phí đào tạo khi tiếp nhận lao động đã qua đào tạo.

Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DN thành lập cơ sở GDNN có chất lượng, đào tạo những ngành nghề mũi nhọn, liên kết với trường nghề trong đào tạo và giải quyết việc làm; xây dựng các mô hình, hình thức và phương thức hợp tác, gắn kết giữa DN và cơ sở đào tạo để nâng cao khả năng có việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo./.

(Nguồn. Thời báo tài chính)