Xuất khẩu lao động điều dưỡng, hộ lý: Lương cao, công việc vất vả
Trước khi ứng tuyển, lao động cần tìm hiểu cụ thể về tính chất công việc. Ứng viên điều dưỡng, hộ lý là công việc phức tạp, vất vả, đòi hỏi độ kiên trì và chịu khó.
Mới đây để mở rộng thị trường cung ứng lao động kỹ thuật, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với phía Đức thực hiện chương trình tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Sỹ Dũng – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) về chương trình đang rất “hot” này.
Thưa ông, nhiều lao động đang rất kỳ vọng vào các chương trình đi làm ứng viên điều dưỡng, hộ lý. Ông có thể nói qua về chương trình này?
– Như các bạn đã biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang bước vào thời kỳ già hóa dân số. Việc thiếu hụt lao động là rất lớn, kèm theo đó, nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý làm công việc chăm sóc người già, người bệnh cũng tăng cao. Đây chính là lý do khiến ngành này trở thành ngành “hot” trong vài năm trở lại đây.
Hiện nay, Việt Nam đang cung ứng lao động làm ứng viên điều dưỡng, hộ lý cho 3 thị trường chính là Nhật Bản, Đài Loan và gần đây nhất là thị trường Đức. Cũng như Nhật, thị trường Đức cần rất nhiều ứng viên điều dưỡng, hộ lý. Để tuyển ứng viên cho các vị trí này, phía bạn có chương trình tuyển dụng, hỗ trợ đào tạo, chi phí sinh hoạt tích cực. Bản thân lao động chúng ta khi tham gia, không chỉ tìm kiếm được công việc phù hợp, lương cao mà còn được học nâng cao tay nghề, kỹ năng, được rèn luyện chuyên môn trong một môi trường chuyên nghiệp. Đặc biệt, với những lao động có mục tiêu, chăm chỉ, biết cố gắng thì còn có cơ hội được trở thành điều dưỡng chính, được nhập cư nếu thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật và Đức.
Những ứng cử viên nào đủ điều kiện tham gia tuyển để trở thành ứng viên, điều dưỡng hộ lý cho chương trình này, thưa ông?
– Chương trình dành cho mọi công dân Việt Nam từ 20 – 26 tuổi (tính đến ngày 15.7.2019), đã tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng hoặc đã hoàn thành ít nhất 2 năm chương trình cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng tại Việt Nam. Không có án tích theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp Việt Nam. Các lao động phải đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định. Nếu thấy có đủ các điều kiện trên, ứng viên tự tải hồ sơ đăng ký dự tuyển từ website của Cục Quản lý lao động ngoài nước www.dolab.gov.vn để khai, đăng ký, sau đó là nhận lịch phỏng vấn.
So với những khóa tuyển điều dưỡng đi Đức trước kia thì khóa tuyển điều dưỡng đa khoa đầu tiên trong chương trình này có gì mới, thưa ông?
– So với chương trình trước đây được GIZ làm với Trung tâm lao động ngoài nước thì chương trình lần này, ứng cử viên điều dưỡng, hộ lý sẽ được tham gia chương trình điều dưỡng đa khoa. Theo đó, các bạn có thể vừa chăm sóc người già, vừa chăm sóc người bệnh, trẻ em. Nét mới thứ 2 là được GIZ chăm sóc, quan tâm đặc biệt trong 1 năm đầu khi sang Đức học tập.
Về đào tạo trong nước thì các bạn ứng viên sẽ được đào tạo 13 tháng, đào tạo chứng chỉ tiếng B2 nhưng chỉ cần đậu B1 là các bạn có thể xin visa được. Ngoài ra các ứng cử viên chỉ phải đóng 1,8 triệu đồng tiền học phí cho 1 tháng học tập, nhưng sẽ được miễn phí chổ ở, hỗ trợ tiền ăn khoảng gần 1 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trước khi ứng tuyển, lao động cần tìm hiểu cụ thể về tính chất công việc. Ứng viên điều dưỡng, hộ lý là công việc phức tạp, vất vả, đòi hỏi độ kiên trì và chịu khó. Các lao động đi làm việc xần xác định rõ mục tiêu để phấn đấu. Không nên ảo tưởng là đi XKLĐ tìm công việc nhàn, kiếm lương nghìn đô.
(Nguồn. Người lao động)