Vẫn vướng việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài

Có quá nhiều hoá đơn viết tay với nét chữ mờ, thông tin chung chung gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho người nước ngoài khi mua hàng tại Việt Nam…

Vừa qua, dư luận đã liên tục cho rằng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài – Cục Hải quan Hà Nội đã sai khi từ chối hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho cháu bé 9 tuổi có quốc tịch Australia đứng tên trên tờ khai đề nghị hoàn thuế với tư cách người mua hàng và hàng hóa là một chiếc đồng hồ trị giá 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, câu chuyện lại không như những gì dư luận được biết.

Tổng cục Hải quan cho biết, trường cháu bé 9 tuổi có quốc tịch Australia đứng tên trên tờ khai đề nghị hoàn thuế GTGT với tư cách người mua hàng, hàng hóa là một chiếc đồng hồ trị giá 6 tỷ đồng. Cụ thể là cháu bé này có hai hộ chiếu Việt Nam và Australia, khi xuất cảnh cháu bé đã xuất trình hộ chiếu Việt Nam.

Do vậy, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài – Cục Hải quan TP Hà Nội đã từ chối hoàn thuế GTGT đối với trường hợp này do không thuộc đối tượng hoàn thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 72/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Giải thích thêm, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết hiện nay, Thông tư số 72 chưa quy định cụ thể về độ tuổi của người đề nghị hoàn thuế. Do đó, độ tuổi của cháu bé không phải là lí do để Hải quan Nội Bài từ chối thực hiện thủ tục hoàn thuế.

Nếu cháu bé này dùng hộ chiếu Australia xuất cảnh thì đã được hoàn thuế GTGT cho chiếc đồng hồ trị giá 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư luận còn thắc mắc cũng trường hợp tương tự nhưng ông Hwang Gi Sun (quốc tịch Hàn Quốc) lại được hoàn thuế GTGT cho chiếc đồng hồ trị giá 4,39 tỷ đồng. Trong khi đó ông Hwang Gi Sun là người đang làm việc tại Việt Nam, đã được cấp thẻ tạm trú dài hạn. Sau đó, khi trở lại Việt Nam ông Hwang Gi Sun lại phải kê khai, nộp thuế cho chiếc đồng hồ đã được hoàn thuế này.

Cụ thể là ông Hwang Gi Sun được cấp thẻ tạm trú dài hạn, ngày 3/1/2019 có đề nghị hoàn thuế cho chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 4,39 tỷ đồng. Ngày 15/01/2019, Ông Hwang Gi Sun xuất cảnh từ Nội Bài đi Thái Lan, trong hóa đơn đặt vé máy bay thể hiện cả chiều đi từ Việt Nam đến Thái Lan và chiều về từ Thái Lan về Việt Nam. Khi xuất cảnh sang Thái Lan ông mang theo chiếc đồng hồ đã được hoàn thuế. Tuy nhiên, đến ngày 16/01/2019 ông Hwang Gi Sun nhập cảnh trở lại Việt Nam cầm theo chiếc đồng hồ nêu trên.

Với trường hợp này đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, khi xuất cảnh, đối chiếu quy định tại Thông tư số 72 thì ông Hwang Gi Sun là đối tượng hoàn thuế GTGT, tại thời điểm đề nghị hoàn thuế GTGT nếu có đầy đủ các chứng từ hợp lệ và làm thủ tục hoàn thuế GTGT theo quy định Thông tư số 72. Do đó việc Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã thực hiện hoàn thuế GTGT cho trường hợp này là đúng quy định.

Tuy nhiên, khi nhập cảnh, trường hợp này chiếc đồng hồ đã được hoàn thuế GTGT, nếu cơ quan Hải quan phát hiện ông Hwang Gi Sun nhập cảnh mang theo hành lý có vật phẩm vượt định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì phải kê khai nộp thuế nhập khẩu theo quy định.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, để ngăn ngừa các trường hợp có thể lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT, trong thời gian tới Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản chính sách có liên quan việc hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, chính sách hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh được xem như là bước đi nhằm thực hiện chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời, góp phần kích cầu phát triển ngành du lịch và phát triển kinh tế đất nước.

Chính sách này đã góp phần tăng nhu cầu mua sắm của khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trong thực tế do thủ tục còn nhiều phức tạp nên chưa phát huy được tác dụng của nó, khách du lịch vẫn chưa mặn mà với việc hoàn thuế này.

Từ thực tế, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, phần lớn thủ tục này phải kiểm tra hóa đơn bằng giấy do hành khách xuất trình nên khó xác định hóa đơn thật, giả. Nhiều trường hợp hóa đơn hoàn thuế viết tay nên thông tin trong hóa đơn không rõ ràng gây khó cho cán bộ hải quan tại cửa khẩu.

Còn ông Dương Phú Đông,  Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội lại chỉ ra, thực tế có doanh nghiệp bán hàng khi lập hóa đơn GTGT kiêm tờ khai hoàn thuế thường ghi thông tin chưa đầy đủ, ghi chung chung… và việc này gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc đối chiếu hàng hóa thực tế được hoàn thuế GTGT với hóa đơn do đơn vị bán hàng lập.

Tương tự, theo phản ánh của Cục Hải quan Đà Nẵng chính đơn vị đã gặp khó khăn trong việc xác định doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế khi kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế GTGT. Điều này làm cho thời gian trong giải quyết thủ tục hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài xuất cảnh bị kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ, từ cuối năm 2018 Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang trong việc tăng cường tuyên truyền hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài. Theo đó, phải phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trong việc hướng dẫn khách nước ngoài đến các quầy hoàn thuế để hoàn thuế kịp thời gian trước giờ lên máy bay.

Tuy nhiên, để tránh gian lận, các đơn vị chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp hoàn thuế GTGT có dấu hiệu bất thường như: hoàn thuế với số tiền lớn, hoàn với tần suất nhiều lần khi xuất cảnh, nhập cảnh để kịp thời phát hiện các thủ đoạn gian lận của khách hàng.