Khi nào doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn lao động?

An toàn lao động là nhu cầu thiết yếu của mọi lao động. Tuy nhiên, thực tế, không nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này mặc dù pháp luật đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn lao động.

Ai được cấp thẻ an toàn lao động?

Theo quy định tại Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức huấn luyện cho người lao động (kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn sau khi kiểm tra đạt yêu cầu.

Cụ thể hơn, đây là những lao động thuộc nhóm 3 làm các công việc:

– Chế tạo, lắp ráp, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

– Trực tiếp sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại;

– Thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại thuốc nổ và phương tiện nổ (kíp, dây nổ, dây cháy chậm…);

– Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động máy, thiết bị sử dụng trong thi công xây dựng;

– Lắp ráp, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh các loại máy mài, máy phay, máy bào, máy tiện, uốn, xẻ, cắt…

– Làm khuôn đúc, luyện, cán, tẩy rửa, mạ, đánh bóng kim loại, luyện quặng, luyện cốc, vận hành, sửa chữa, kiểm tra, giám sát, cấp liệu, ra sản phẩm, phế thải các lò thiêu, lò nung, lò luyện;

– Các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 02 mét trở lên, trên sàn công tác di động, nơi cheo leo nguy hiểm;

– Các công việc trên sông, trên biển, lặn dưới nước;

– Chế tạo, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm tra máy, thiết bị trong hang hầm, hầm tàu, phương tiện thủy;

– Các công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa;

– Các công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30 – 300 GHz;

– Các công việc làm việc ở các nơi thiếu dưỡng khí hoặc có khả năng phát sinh các khí độc như hầm, đường hầm, bể, giếng, đường cống và các công trình ngầm;

– Các công việc làm vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại;

– Khảo sát địa chất, địa hình, khai thác khoáng sản, dầu khí;

– Các công việc trực tiếp thi công xây dựng công trình, phá dỡ, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng;

– Thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện, hệ thống điện;

– Hàn, cắt kim loại.

Điều kiện doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn

Khoản 7 Điều 14 Luật An toàn, vệ sinh lao động nêu rõ:

Trường hợp doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Đối chiếu với khoản 11 và khoản 14 Điều 1 Nghị định số 140 năm 2018 của Chính phủ, doanh nghiệp được tự cấp thẻ an toàn cho lao động nhóm 3 khi đáp ứng đủ các điều kiện:

– Có hoặc thuê, liên kết để có ít nhất 01 phòng học có diện tích ít nhất từ 30 m2 trở lên;

– Có hoặc thuê, liên kết để có máy, thiết bị, hóa chất, xưởng, khu thực hành bảo đảm yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện.

Máy, thiết bị, vật tư, hóa chất, nơi huấn luyện thực hành phải bảo đảm yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động; khu huấn luyện thực hành bảo đảm diện tích ít nhất 300 m2.

– Có ít nhất 04 người cơ hữu huấn luyện nội dung pháp luật, nội dung nghiệp vụ, trong đó 01 người huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành phù hợp với chuyên ngành đăng ký huấn luyện, 01 người huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động;

– Có tài liệu huấn luyện phù hợp với đối tượng và được xây dựng theo đúng chương trình khung huấn luyện.

Đồng thời, doanh nghiệp phải lập 01 bộ hồ sơ chứng minh đủ điều kiện nêu trên gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (gọi tắt là Bộ).

Trong 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tự huấn luyện cho doanh nghiệp.

Hết 25 ngày làm việc, nếu Bộ không có thông báo về việc doanh nghiệp không bảo đảm đủ điều kiện hoạt động huấn luyện thì doanh nghiệp được tự huấn luyện trong phạm vi đã đề nghị.

Lưu ý: Thời hạn đủ điều kiện tự huấn luyện là 05 năm. Trước khi hết thời hạn 30 ngày, nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tự huấn luyện thì doanh nghiệp gửi hồ sơ tương tự đến Bộ để được xem xét đánh giá lại đủ điều kiện hoạt động.

Mẫu thẻ an toàn lao động

Mẫu thẻ an toàn lao động được mô tả chi tiết tại mẫu số 06 Phụ lục II của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP như sau:

Kích thước thẻ: 60mm x 90mm

(1) Tên cơ quan chủ quản cơ sở cấp thẻ (chữ in hoa, cỡ 10).

(2) Tên cơ sở cấp thẻ (chữ in hoa đậm, cỡ 10).

(3) Năm cấp thẻ an toàn.

Lưu ý: Thẻ an toàn chỉ có thời hạn 02 năm.

(Nguồn. Luatvietnam)