Đề xuất 2 phương án tăng mức đóng BHYT

(NLĐO)- Ngày 27-5, nguồn tin từ BHXH Việt Nam cho biết có 2 phương án đang được Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT vào năm 2019.

Theo đó, phương án 1: Năm 2019 sẽ tăng 0,3% mức lương cơ sở, từ 4,5% lương cơ sở như hiện nay lên 4,8%. Đến năm 2020 tăng tiếp lên 5,1% và năm 2022 là 5,4%, năm 2023 là 5,7% và năm 2024 là 6% (mức cao nhất được quy định trong Luật BHYT.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT

Phương án 2 là tăng 0,5% vào năm 2019, từ 4,5% lên 5% mức lương cơ sở. Năm 2020 tăng lên 5,5% và năm 2021 là 6%.

Theo BHXH Việt Nam, Quỹ BHYT hiện còn một phần chi dự phòng để bù đắp cho phần bội chi của năm 2017 và 2018. Nhưng tới năm 2019, các cơ quan chức năng phải tính toán để điều chỉnh mức đóng BHYT nhằm cân đối quỹ BHYT. Hện ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hơn 48 triệu người là nhóm đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, nhóm đối tượng được bảo trợ, người có công với cách mạng, học sinh – sinh viên… Cụ thể, ngân sách nhà nước đang hỗ trợ 100% kinh phí cho khoảng 34,9 triệu người; hỗ trợ mức 70% là 2,5 triệu người; hỗ trợ mức 30% là 11 triệu người. Do đó, nếu tăng mệnh giá thẻ BHYT thì cũng phải cân nhắc đến tài chính của ngân sách. “Việc tăng là đương nhiên, nhưng mức tăng thêm 0,3 hay 0,5% phải tính toán phù hợp trên cơ sở ngân sách nhà nước, chi phí doanh nghiệp…” – đại diện BHXH Việt Nam cho biết

 

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT

Trước ý kiến cho rằng việc tăng mức đóng còn ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp (DN), lãnh đạo BHXH Việt Na cho biết: “Mới đây, Chính phủ đã tính toán giảm 0,5% mức đóng của DB vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Do đó, việc tăng mức đóng BHYT cần tính toán tới lộ trình hợp lý.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 5-2017, cả nước có hơn 76,27 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,01% dân số.