Thị trường Ba Lan cần nhiều lao động từ Việt Nam và châu Á

Các thay đổi chính sách và nhu cầu kinh tế khiến Ba Lan đang tiếp tục cần người lao động từ Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Nepal.

Tuy nhiên, chính sách visa và sự thiếu chuẩn bị để hỗ trợ từ các cơ quan lãnh sự cộng hòa Ba Lan ở châu Á đang làm chậm quá trình này.

Dòng người lao động từ Nam Á và Đông Nam Á đã chảy vào Ba Lan từ mấy năm qua, nhất là sau khi hàng triệu công dân Ukraine, vốn từng có visa ngắn hạn sang Ba Lan lao động, nay tìm cách sang Đức.

Sự thay đổi chính sách visa của Đức và một số nước khác trong EU đã mở cửa thị trường lao động trả lương cao hơn cho người Ukraine.

Nhưng riêng với lao động từ Việt Nam, chủ lao động Ba Lan chú ý hai yếu tố họ cho là ưu điểm để mời gọi tuyển dụng.

Theo ông Mateusz Matysiak, một quản lý tại Emat HRC, công ty đóng ở Wolsztyn, chuyên tuyển lao động Ukraine từ 9 năm qua vào Ba Lan thì người Việt Nam “chăm chỉ, yêu mến nước Ba Lan”, và “tại Ba Lan đã có một cộng đồng người Việt đáng kể”.

Ngoài ra, theo ông, người Việt Nam đã có truyền thống “xuất khẩu lao động” về các hợp đồng tuyển dụng từ phía Ba Lan có thể chuyển thẳng đến các công ty môi giới ở Việt Nam.

Theo ông Matysiak, các công ty môi giới lao động t Việt Nam “làm việc rất chuyên nghiệp, biết cách trợ giúp” cho đối tác.

“Trình độ tay nghề của thợ Việt Nam cao, và đa số có học tiếng Anh, và được học cả về sự khác biệt văn hóa.”

Điều này là ưu điểm, so với thợ Ukraine mà ông nói với trang Interia,pl, mục Lao động – Việc làm (13/05/2019) là “tuyển dụng tùy may rủi như chơi xổ số”.

“Với người Việt Nam thì lao động tới nhận việc có trình độ như công ty môi giới nói với chủ lao động.”

Trên một số trang mạng của cộng đồng Việt tại Ba Lan đã xuất hiện nhiều cuộc thảo luận, câu hỏi về chủ đề này.

Các ngành nghề mà phía Ba Lan cần người Việt Nam gồm cả việc trong lĩnh vực xây dựng, hàng hải, chế biến nông sản, dịch vụ và công nghệ thông tin…

Trên mạng Internet đã có cả lời mời tuyển thợ hàn cho công xưởng đóng tàu quân sự của Hải quân Ba Lan, đăng bằng tiếng Việt.

Ba Lan từng hợp tác giúp Việt Nam thời XHCH đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực khai mỏ, cơ khí và đóng tàu.

Thị trường Ba Lan cần hàng trăm nghìn lao động

Các báo Ba Lan cho hay với mức tăng trưởng kinh tế đều của nước này nhiều năm qua (GDP tăng 5,1% năm 2018) và hiện tượng di dân nội bộ EU khiến hàng triệu dân Ba Lan đi làm việc ở nước khác, quốc gia Trung Âu này đang cần rất nhiều việc làm.

Chính phủ Ba Lan ước tính năm 2018 có 1,2 triệu công dân Ukraine đã làm việc tại Ba Lan, ngoài ra là chừng 250 nghìn công dân các nước “biên giới phía Đông” gồm cả người Belarus, Nga, Moldavia, và Armenia, Georgia, thuộc Liên Xô cũ.

Tuy thế, con số trên 1 triệu người Ukraine gồm cả những người qua lại làm việc ngắn ngày, hoặc sau đó đi sang nước khác làm.

Số ở lại lâu dài tại Ba Lan chỉ khoảng 800 nghìn người Ukraine

Cũng trong năm 2018 có trên 320 nghìn giấy phép lao động được cấp cho người nước ngoài, và ngoài nhóm công dân các nước kể trên, Nepal là quốc gia châu Á có số giấy phép lao động nhiều nhất ở Ba Lan: 20 nghìn chỉ trong 2018.

Bangladesh có trên 8000 công dân nhận giấy phép lao động tại Ba Lan, và Ấn Độ có trên 3000.

Hiện chưa rõ con số công dân Việt Nam đã sang lao động tại Ba Lan là bao nhiêu, nhưng các công ty tuyển dụng Ba Lan phàn nàn rằng chính các cơ quan lãnh sự của họ làm việc chậm để giải quyết thị thực cho người Việt Nam và công dân các nước châu Á khác.

Di sản của thời kỳ Ba Lan còn theo chế độ xã hội chủ nghĩa là một cộng đồng Việt có nhiều trí thức hiểu biết ngôn ngữ và tình hình nước chủ nhà, tập hợp quanh một số tổ chức cộng đồng và các trang Facebook như Uwaga.

Nhưng nay cũng có dòng người bán chính thức từ Việt Nam sang thẳng Ba Lan, hoặc từ nước khác tới để ở lại làm việc, làm giấy tờ, visa lao động EU.

Theo bà Nguyễn Thái Linh, cử nhân luật Đại học Tổng hợp Warsaw thì những người sang Ba Lan sau này cần chú ý đến văn hóa nước sở tại đã thay đổi nhiều.

“Người Việt Nam sang Ba Lan cần học hỏi tính kỷ luật và sự chuyên nghiệp trong công việc, học cách tôn trọng pháp luật. Không thể sống với tư duy ‘phép vua thua lệ làng’ như ở quê nhà,”

“Họ cần học ngôn ngữ để hòa nhập với xã hội, học cách tôn trọng người khác, ví dụ như không gây ồn ào. Cần học cách quan tâm đến các vấn đề chung của xã hội, bắt đầu từ môi trường nhỏ nhất như các vấn đề của khu chung cư hay khu phố nơi mình sinh sống…”

Bà Thái Linh cho BBC hay, trong dư luận những người đã sống và hội nhập tốt vào xã hội Ba Lan có ý kiến rằng các nhóm nhập cư mới từ Việt Nam “thường có thói quen chỉ biết lo vun vén cho bản thân và gia đình mình, có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến khó hòa nhập” với quốc gia nhận họ.

Theo BBC tìm hiểu, trong năm 2018, ba bộ trong chính phủ Ba Lan là Bộ Lao động, Bộ Đầu tư và Phát triển cùng Bộ Nội vụ và Hành chính đã đi đến một thỏa thuận nhằm đơn giản hóa thủ tục nhận lao động từ bên ngoài EU.

Được biết đại sứ CH Ba Lan tại Việt Nam hiện nay, ông Wojciech Gerwel là một người năng động, thường xuyên tổ chức các sự kiện giao lưu với chính quyền, giới trí thức tại Việt Nam, gồm cả những cựu lưu học sinh từ Ba Lan trở về.

Hồi cuối 2018, ông Gerwel nói với báo chí Việt Nam rằng hãng hàng không quốc gia Ba Lan (LOT) có kế hoạch mở đường bay thẳng tới Việt Nam.

Các cơ quan ngoại giao Ba Lan cũng tổ chức để những công ty tuyển lao động của họ tiếp xúc với truyền thông Việt Nam để giới thiệu thị trường Ba Lan.

Tuy nhiên, cùng lúc, Ba Lan chịu sự giám sát từ EU về chính sách nhập cư vốn ưu tiên lao động trong nội bộ khối này và hạn chế di dân từ ngoài EU.

Lương trung bình tại Ba Lan hiện vào khoảng 1000 euro/tháng, thấp hơn so với Đức, Anh, Ireland, Thụy Điển…nhưng vẫn đủ hấp dẫn với người ngoài EU.

(Nguồn. BBC.com)