Thẻ: tăng ca

  • Ngành nhân sự – Làm thế nào để ứng biến và thích nghi trong kỷ nguyên số?

    Ngành nhân sự – Làm thế nào để ứng biến và thích nghi trong kỷ nguyên số?

    Dù đã thay đổi rất nhiều trong những năm vừa qua, nhiều người vẫn cho rằng người làm trong ngành Nhân sự còn cứng nhắc, bảo thủ cùng với việc đưa ra các quy định chồng chéo nhiều lớp.

    Liệu rằng quan điểm này có thật sự được đồng tình trong thời điểm hiện nay? Hãy lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia Nhân sự để tìm thấy câu trả lời cho riêng mình.

    “Nhân sự có phải là nghề không dành cho người năng động, sáng tạo?”

    Nhiều người khi được hỏi cảm nhận về ngành nhân sự, họ cho rằng đây là nghề dành cho những người tỉ mẩn, cần cù nhiều hơn là sự năng động, sáng tạo.

    Bản chất của ngành nhân sự bắt nguồn sơ khai từ các công việc quản lý hành chính, các mối quan hệ trong lực lượng lao động. Do đó, việc gắn liền với các định chế pháp luật lao động và quy chế tổ chức khiến ngành Nhân sự có xu hướng nghiêng nhiều về tính kỷ luật, tuân thủ theo quy trình.

    Tuy nhiên, theo sự tiến hóa của xã hội, Phòng nhân sự tiến đến việc quản lý hiệu năng lao động, phát triển nguồn nhân lực cho tổ chức. Với mục tiêu đảm bảo tổ chức có đội ngũ đạt về năng lực, đồng thời cam kết giúp tổ chức đạt mục tiêu, quản trị nhân sự cần cập nhật thông tin liên tục của môi trường kinh doanh để đổi mới phương thức hoạt động.

    Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch CLB Nhân sự Việt Nam VNHR chia sẻ: “Gần đây, mô hình quản trị nhân sự tại các doanh nghiệp đã được tổ chức linh hoạt hơn nhiều để đáp ứng tình hình phát triển của tổ chức. Đặc biệt, với những thay đổi vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ, ngành nhân sự cần luôn học hỏi và thay đổi không ngừng để ứng biến tốt hơn với nhiều biến động.”

    Theo chia sẻ của ông Lê Hồng Phúc: “Trong kỷ nguyên 4.0, công nghệ đã làm thay đổi cơ cấu công việc trong các ngành. Nhiều công việc hành chính dần được thay thế bằng máy như nhâp liệu, trả lời điện thoại, phân tích dữ liệu, lập báo cáo,… Người ta đang nói nhiều về “những công việc trong tương lai”.

    Nganh Nhan Su Trong Thoi Dai Ky Nguyen So

    Một ví dụ rất rõ ràng là trường hợp của các ứng dụng gọi xe. Mô hình kinh doanh mới của Grab, GoViet, hay Uber đã gần như thay đổi mô hình kinh doanh taxi và hoạt động xe ôm truyền thống. Nếu doanh nghiệp và người lao động không có sự hỗ trợ kịp thời để chuyển đổi sẽ bị tác động rất lớn”.

    Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet & thành viên Ban điều hành CLB Nhân sự Việt nam, đánh giá “hiện nay các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng rất linh hoạt và sáng tạo. Họ chủ động điều chỉnh mức độ ứng dụng, và học hỏi có chọn lọc”.

    Là một trong những chuyên gia đầu ngành, bà lạc quan tin rằng Nhân sự Việt Nam hoàn toàn có thể đối đầu trước những thách thức nhờ sự học hỏi, thích nghi, ứng biến nhanh chóng.

    Trong những năm gần đây, các sự kiện kết nối, cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong ngành tại Việt Nam trở nên phổ biến hơn. Quy mô chương trình, số lượng người tham dự và diễn giả không ngừng tăng lên. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự chủ động học hỏi và chia sẻ kiến thức với nhau trong cộng đồng Nhân sự.

    Tương lai bền vững từ những viên gạch nền vững chắc

    Ông Lê Hồng Phúc nhận định: “Trong ngắn hạn, công tác quản trị nhân sự vẫn tiếp tục tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của tổ chức; nhất là chú trọng khích lệ, gắn kết nhân viên, tạo môi trường việc để nhân viên gắn bó với tổ chức.

    Mặt khác, trong dài hạn, chức năng quản trị nhân sự phải thực sự làm tốt vai trò là một đối tác chiến lược của lãnh đạo doanh nghiệp. Giám đốc nhân sự phải là người tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp tất cả các vấn đề liên quan đến chiến lược nhân sự, hoạch định, phát triển và quản lý nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.”

    Bà Lê Thị Kim Anh – Tổng giám đốc công ty Dynamic Consulting & phó chủ tịch Câu lạc bộ VNHR – đánh giá: “Công việc gắn liền với con người và quy định của tổ chức dần trở nên nhiều sắc màu từ sự đa dạng của những cải tiến nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

    Trong tương lai không xa, ngành Nhân sự sẽ định nghĩa bản thân theo một cách hoàn toàn mới, dần phá vỡ những định kiến tồn tại bao lâu nay trong xã hội. Nếu một công ty cần tạo ra giá trị thương hiệu cho khách hàng, thì Quản trị Nhân sự phải nhắm đến việc tạo ra giá trị ở đội ngũ lao động: giá trị ấy không chỉ dừng ở việc tăng hiệu suất công việc, mà còn thể hiện tính cải tiến, và những phẩm chất đặc trưng cho doanh nghiệp đó”.

    (Nguồn. vneconomy.vn)

  • Dự thảo sửa đổi bộ luật lao động: Nới rộng khung giờ làm thêm: Phải tính toán kỹ

    Dự thảo sửa đổi bộ luật lao động: Nới rộng khung giờ làm thêm: Phải tính toán kỹ

    Nếu đạt được sự đồng thuận với người lao động, người sử dụng lao động phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của người lao động được trả lũy tiến

    Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa hoàn tất dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Trong đó, đáng lưu ý là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất nới rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) về giờ làm thêm tăng lên tối đa 400 giờ mỗi năm (thay vì không quá 300 giờ như quy định hiện hành). Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

    Việc nới rộng khung giờ làm thêm phải tính toán đến sức khỏe người lao động

    Tăng ca do nhu cầu cuộc sống thúc ép

    Một thực tế không thể phủ nhận là mức lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ và gia đình, buộc họ phải tăng ca để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Rõ ràng, tăng ca là điều không một công nhân (CN) nào mong muốn mà là do cuộc sống thúc ép.

    Chị Lê Thị Trúc – CN một doanh nghiệp (DN) chuyên may gia công tại quận Bình Tân, TP HCM – chia sẻ: “Lập gia đình và có con nhỏ, chúng tôi rất muốn về sớm để có thời gian chăm sóc gia đình. Nếu luật cho phép tăng số giờ làm thêm thì DN sẽ có cơ sở để yêu cầu CN làm thêm nhiều hơn, như vậy sẽ gây xáo trộn đến đời sống CN. Tôi nghĩ ban soạn thảo phải tính toán kỹ với đề xuất này, nếu tăng ca nhiều sẽ để lại nhiều hệ lụy”.

    Chị Lê Thị Thu đang làm việc tại KCX Linh Trung I (quận Thủ Đức, TP HCM) bộc bạch: “Ngoài mức lương cơ bản khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền tăng ca khoảng 1,5 triệu đồng và các khoản phụ cấp, mỗi tháng thu nhập của tôi chưa đến 7 triệu đồng. Khoản thu nhập này vẫn không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Việc tăng ca nhiều cũng khiến CN không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động” – chị Thu cho biết. Theo chị Thu, để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, không nên mở rộng khung giờ làm thêm mà chỉ nên giữ nguyên quy định hiện hành.

    Cần quy định rõ từng ngành nghề

    Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm DN thâm dụng lao động (dệt may, giày da). Đơn hàng từ đối tác của nhóm các DN này thường không ổn định dẫn đến việc phải hoàn thành gấp, từ đó chủ sử dụng lao động buộc phải thỏa thuận tăng ca với NLĐ. Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều. Thời gian tăng ca trung bình từ 47- 60 giờ/tháng (quy định là 30 giờ/tháng). Tính trung bình, các DN đã cho NLĐ làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm.

    Theo luật sư Đặng Anh Đức (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự), quy định về giờ làm thêm như trong luật hiện hành chưa phù hợp với thực tế. Ở một số ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến thủy sản…, công việc phụ thuộc chủ yếu vào đơn hàng. Khi đơn hàng gấp thì DN buộc phải huy động NLĐ làm thêm giờ.

    Do vậy, khi tính toán nới rộng khung giờ làm thêm, cần quy định rõ từng ngành nghề được phép áp dụng tối đa số giờ làm thêm ở mức 400 giờ/năm. “Trong trường hợp cần hoàn thành gấp đơn hàng, DN cần thỏa thuận tăng ca với NLĐ. Nếu đạt được sự đồng thuận với NLĐ, DN cũng phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được trả lũy tiến” – luật sư Đức góp ý.

    (Nguồn. Người lao động)