Thẻ: mô hình quản trị nhân sự

  • Ba mô hình quản trị nhân sự thành công mà nhà quản lý cần tham khảo

    Ba mô hình quản trị nhân sự thành công mà nhà quản lý cần tham khảo

    Xây dựng và áp dụng hiệu quả mô hình quản trị nhân sự để sử dụng một cách tối ưu nguồn nhân lực là công việc dài hơi và phức tạp. 3 mô hình quản trị nhân sự dưới đây được phát triển dựa trên 3 học thuyết nổi tiếng về nhu cầu, hành vi con người và cách thức quản lý, chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những khám phá thú vị.

    Mô hình quản trị nhân sự lấy thuyết nhu cầu Maslow làm nền tảng

    Tháp nhu cầu của Maslow là tiền đề lý thuyết quan trọng nhất để xây dựng mô hình quản trị nhân sự. Cấu trúc các nhu cầu này có 5 tầng và được liệt kê theo các bậc tạo thành hình kim tự tháp. Bậc cơ bản bao gồm nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn. Bậc cao bao gồm các vấn đề liên quan đến tinh thần, giao tiếp xã hội, được tôn trọng và khẳng định bản thân.
    Mô hình quản trị nhân sự theo học thuyết trên đòi hỏi đội ngũ điều hành nhận biết, phân loại nhu cầu của nhân viên để đề ra giải pháp thỏa mãn vì đó chính là động lực hành động. Muốn thúc đẩy họ cạnh tranh và đạt đến mục tiêu chung, trước hết, người quản lý phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản của nhân sự thông qua chế độ lương thưởng, phúc lợi xứng đáng, công bằng. Tiếp theo, cần tôn trọng tiếng nói của nhân viên, trao cho họ cơ hội được phát huy các thế mạnh của bản thân, tạo điều kiện để họ được thử thách, phát triển nghề nghiệp và khẳng định năng lực của mình.
    3 Mo Hinh Quan Tri Nhan Su Thanh Cong Nhat Hien Nay

    Mô hình quản trị nhân sự theo thuyết X-Y của Douglas McGregor

    McGregor cho rằng chiến lược quản trị nhân sự chịu ảnh hưởng rất lớn bởi quan điểm về bản chất con người, với giả định X rằng:
    • Con người bản chất không thích làm việc và luôn trốn tránh khi có thể.
    • Con người thích bị kiểm soát, nếu bị kiểm soát mới làm việc tốt.
    • Họ ích kỷ, nghĩ về mình trước, không có hoài bão, ước vọng tiến lên.
    Như vậy, thuyết X coi con người vốn dĩ là tiêu cực, do đó phương thức quản lý theo giả định này là: Cần phải thưởng nếu muốn họ làm việc và trừng phạt khi họ không làm việc.
    Tuy nhiên, trong thực tế, tại nơi làm việc, con người có thể ứng xử khác xa so với những gì nêu ra trong thuyết X. Mcgregor đã hoàn chỉnh nhận xét này và đặt tên cho chúng là thuyết Y:
    • Con người bản chất thích làm việc và coi việc làm là nhu cầu.
    • Họ có ý thức tự kiểm tra, tự rèn luyện, tự điều chỉnh khi được giao việc rõ ràng.
    • Dù là người bình thường, cũng có ý thức trách nhiệm và biết nhận trách nhiệm.
    • Người nào cũng có khả năng sáng tạo và hăng hái thực hiện công việc có tính sáng tạo.
    Phương thức quản lý theo quan điểm Y là tin vào con người, khơi dậy nội lực, sự tự giác của con người, cụ thể là:
    • Tin tưởng mở rộng trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong tổ chức.
    • Phân quyền hợp lý để nhân viên chủ động công việc, biết tự đánh giá, tự kiểm soát.
    • Tạo ra các hình thức hoạt động giúp mọi người làm việc gắn bó và sáng tạo.
    Đại đa số các nhà quản lý ủng hộ thuyết Y. Các công ty sử dụng người lao động có trình độ cao và làm công việc có nhiều tính sáng tạo như Apple, Microsoft, Google… đều theo thuyết này và cố gắng tạo ra những môi trường làm việc tự do và lý tưởng nhất trong mức có thể.

    Mô hình quản trị nhân sự kiểu Nhật của William Ouchi

    Quản trị nhân sự kiểu Nhật còn được biết đến dưới tên gọi thuyết Z và được phổ biến khắp thế giới vào thời kỳ bùng nổ kinh tế của các nước châu Á thập niên 1980. Khác với Thuyết X (có cái nhìn tiêu cực vào người lao động) và Thuyết Y (quá lạc quan về người lao động), thuyết Z chú trọng vào việc gia tăng sự trung thành của người lao động với công ty bằng cách tạo ra sự an tâm và mãn nguyện cho họ cả trong và ngoài thời gian làm việc.

    Nội dung cơ bản William Ouchi đề ra là:

    • Quản trị nhân sự phải đảm bảo cho cấp trên nắm được tình hình của cấp dưới, tạo điều kiện cho nhân viên tham gia quyết sách, kịp thời phản ánh tình hình cho cấp trên, đặc biệt là trước khi đưa ra một quyết định quan trọng.
    • Nhà quản lý ở cấp cơ sở phải vừa có đủ quyền xử lý những vấn đề ở cấp cơ sở, vừa có năng lực điều hòa, phối hợp quan điểm của nhân viên, phát huy tính tích cực của mọi người, khuyến khích họ động não, đưa ra những phương án, đề nghị của mình.
    • Nhà quản lý cấp trung phải thực hiện được vai trò thống nhất về quan điểm, chỉnh sửa và hoàn thiện những ý kiến của cấp cơ sở, kịp thời báo cáo tình hình với cấp trên và đưa ra những kiến nghị của mình.
    • Công ty cần thuê dùng nhân viên lâu dài để họ yên tâm và tăng thêm tinh thần trách nhiệm, gắn bó vận mệnh của họ vào vận mệnh chung của công ty.
    • Nhà quản lý phải thường xuyên quan tâm đến phúc lợi của công nhân viên, tìm cách để họ cảm thấy thoải mái, tạo thành sự hòa hợp, thân ái, không cách biệt giữa cấp trên và cấp dưới.
    • Việc quan sát biểu hiện của công nhân không nên chỉ đóng khung trong một số ít mặt mà phải quan sát một cách toàn diện, trong thời gian dài để có căn cứ chính xác.
    • Thuyết Z được nhiều công ty Nhật ủng hộ và ứng dụng vào thực tế, đem lại thành công và làm nhiều công ty Nhật trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ và châu Âu. Thuyết Z cũng có những điểm yếu căn bản và nhất là tạo ra sức ỳ lớn điều mà từ đó đến nay các công ty Nhật đang ra sức nghiên cứu và thay đổi.
    Thực tế cho thấy, sẽ không có mô hình quản trị nhân sự đúng hay sai mà chỉ có mô hình phù hợp với quy mô, tầm nhìn và đặc trưng văn hóa doanh nghiệp hay không. Do đó, các nhà quản lý phải thấu hiểu cơ cấu, thành phần, tính chất nguồn nhân lực của mình để linh hoạt kết hợp các học thuyết – mô hình quản trị khoa học.
    (Nguồn. Viện kế toán và quản trị doanh nghiệp)
  • Cách xây dựng mô hình quản trị nhân sự linh hoạt

    Cách xây dựng mô hình quản trị nhân sự linh hoạt

    Doanh nghiệp có thể học hỏi mô hình ở nước ngoài, ứng dụng công nghệ, sáng tạo hoạt động cho nhân viên… để mô hình quản trị nhân sự linh hoạt, hiệu quả hơn.

    Thời đại số mang đến nhiều cơ hội tiếp cận thông tin khiến thị trường việc làm sôi động hơn, sự dịch chuyển lao động diễn ra nhanh và đa dạng. Do đó, việc thu hút và quản trị nhân sự trong thời đại số đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài. Hiện có nhiều băn khoăn về việc chọn mô hình quản trị hiệu quả, xây dựng chiến lược riêng phù hợp với doanh nghiệp…

    Đầu tư cho những nhân tố tiềm năng

    Các công ty không thể đầu tư dàn trải cho tất cả nhân viên mà cần chọn nhân tố tiềm năng, có khả năng truyền động lực làm việc cho đội ngũ. Việc đầu tiên và quan trọng nhất doanh nghiệp cần làm là tự đánh giá nội lực tổ chức, tìm kiếm nhân tài phù hợp và trau dồi, phát triển nhân tài. Họ sẽ trở thành nguồn động lực cho các nhóm, phòng, ban. Bằng cách này, sự gắn kết giữa công ty và nhân viên sẽ bền chặt và lan tỏa hiệu quả hơn.

    Học hỏi các mô hình quản trị nhân tài đã thành công

    Doanh nghiệp có thể tìm hiểu, tra cứu các mô hình nhân tài trên thế giới để học hỏi và áp dụng. Phương thức này đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có quy mô và kinh nghiệm hạn chế. Mọi sự sáng tạo cần có nền tảng. Khi cảm thấy chưa đủ nội lực, các doanh nghiệp hãy dùng mô hình sẵn có. Quá trình tuân thủ quy tắc trong những bước đi đầu này sẽ giúp doanh nghiệp quan sát, thẩm định và gợi mở hướng điều chỉnh chiến lược phù hợp.

    Ứng dụng công nghệ vào chính sách nhân sự

    Công nghệ mang lại nhiều lợi ích đối với công tác nhân sự. Việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, triển khai các tiện ích công nghệ nội bộ… giúp tạo đồng thuận trong đội ngũ, đồng thời rút ngắn quy trình xử lý công việc, vận hành tổ chức. Việc áp dụng công nghệ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao hiệu suất và tạo động lực để các cá nhân hoàn thiện bản thân. Doanh nghiệp cũng sẽ có động lực thay đổi dựa trên nền tảng công nghệ, đồng thời tạo được tiếng nói chung với các nhân viên trong thời đại số.

    Doanh nghiệp cũng có thể ứng dụng công nghệ để thu thập, phân tích dữ liệu đo lường hiệu quả công việc, giúp công tác đánh giá thuận tiện, minh bạch và xác thực hơn.

    Trước khi áp dụng công nghệ, các công ty cần cẩn trọng xem xét chiến lược dài hạn cùng tình hình hoạt động, tài chính hiện tại… tránh chạy theo công nghệ, dẫn đến tổn hao nguồn lực, không hiệu quả.

    Sáng tạo chính sách riêng để giữ chân nhân tài

    Bên cạnh các yếu tố bất di bất dịch như khung lương, thưởng, phúc lợi, cơ hội thăng tiến, văn hóa môi trường… những yếu tố linh hoạt, ngắn hạn, mang tính đặc trưng riêng có thể tạo điểm cộng cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xây dựng quỹ từ thiện riêng, cơ chế hưu trí cho nhân viên lâu năm, chính sách ưu tiên tạo cơ hội thực tập cho con nhân viên… tạo sức hút đối với ứng viên. Để làm được điều đó, ban lãnh đạo cần tích cực khuyến khích và tạo điều kiện cho việc đổi mới phương cách quản lý nhân sự một cách toàn diện, phù hợp với định hướng doanh nghiệp.

    (Nguồn. Vnexpress)

  • Quản trị nhân sự trong thời đại chuyển đổi số

    Quản trị nhân sự trong thời đại chuyển đổi số

    Chính sách quản trị nhân sự có ảnh hưởng quan trọng đến năng suất và hiệu quả làm việc của doanh nghiệp, đặc biệt trong thời đại công nghệ số.

    Cơ hội và thách thức

    Công nghệ số có tác động rõ rệt tới thế giới việc làm thông qua các ứng dụng giúp người lao động làm tốt hơn những công việc cũ và tạo ra rất nhiều việc làm mới. Công nghệ số cũng giúp thu hẹp khoảng cách địa lý khiến con người dễ dàng tương tác và tiết kiệm các chi phí vận hành. Quản trị nhân sự, theo đó, cũng thay đổi.

    Nếu như trước đây, quản trị nhân sự đặt trọng tâm vào quan hệ lao động, hay là đối tác kinh doanh, thì trong kỷ nguyên số, quản trị nhân sự phải tham gia với vai trò cố vấn chiến lược, kết nối nhân tài với các mắt xích tạo ra nhiều giá trị nhất trong doanh nghiệp. Theo đó, quản trị nhân sự có những vai trò mới và quan trọng mà công nghệ sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp chuyển đổi hiệu quả.

    Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn trong quản trị nhân sự dựa vào những ứng dụng của công nghệ. Ðầu tiên, công nghệ giúp nâng cấp vận hành hệ thống quản trị nhân sự; ứng dụng tự động hóa, chuẩn hóa quy trình và nâng cấp trải nghiệm người dùng, mang đến lợi ích chi phí và tiết kiệm thời gian.

    Công nghệ còn tạo ra các công cụ phân tích cho kết quả minh bạch, đáng tin cậy, điều này có thể ứng dụng trong việc phân tích hành vi và kết quả hoạt động của nhân viên mà không dựa vào cảm tính.

    Với sự trợ giúp của công nghệ, các chức năng truyền thống của quản trị nhân sự có thể dễ dàng thực hiện, nhờ đó đội ngũ quản trị nhân sự có thể chuyển sang cấu trúc mềm dẻo và linh hoạt, tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành.

    Tuy nhiên, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong quản trị nhân sự đang gặp phải không ít thách thức. Ðiển hình có thể kể đến các sáng kiến về nhân tài dựa trên công nghệ chưa thực sự kết nối với chiến lược kinh doanh, tức là những thay đổi cải tiến trong hệ thống quản trị nhân sự chưa đáp ứng được mục tiêu cuối cùng là kinh doanh phải tăng trưởng.

    Hệ thống quản trị nhân sự thu thập nhiều dữ liệu, nhưng doanh nghiệp lại chưa tận dụng được các thông tin từ dữ liệu lớn này để đưa ra được những thông tin phân tích sâu về con người.

    Phần lớn nguồn lực của bộ phận nhân sự vẫn tập trung vào các hoạt động hành chính, vận hành, mà chưa tập trung xây dựng chiến lược phục vụ cho phát triển hệ thống nhân sự.

    Một thách thức khác là hiệu quả về mặt chi phí chưa được thực hiện triệt để.

    Cơ Hoi Va Thach Thuc Trong Quan Tri Nhan Su Hien Nay

    Tận dụng nguồn nhân lực sẵn có

    Thời đại chuyển đổi số đòi hỏi người lao động phải có sự phát triển trong kiến thức và kỹ năng để đáp ứng được sự thay đổi của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần có giải pháp để tận dụng tối đa nguồn nhân lực sẵn có.

    Các doanh nghiệp cần rà soát, đánh giá lại đội ngũ hiện có trong mối tương quan với chiến lược kinh doanh. Việc tìm kiếm nhân lực phù hợp từ bên ngoài không còn là giải pháp tối ưu, kể cả trong ngắn hạn. Vì hiện tại, tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng phù hợp cho chuyển đổi số không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở toàn cầu, khiến cho chi phí tuyển dụng mới tăng cao, doanh nghiệp còn phải đưa ra được mức lương thưởng cạnh tranh để thu hút nhân tài. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần xác định được mục tiêu để đưa ra được giải pháp.

    Ðào tạo và phát triển

    Ðào tạo và phát triển giữ vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ hiện nay, các cơ sở đào tạo chưa kịp đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cho sinh viên khi tốt nghiệp. Do đó, “học tập suốt đời” được biết đến rộng rãi và ủng hộ trong cộng đồng các nhà quản trị. Người lao động cũng ý thức được yêu cầu này. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải thúc đẩy văn hóa học tập và tạo điều kiện để các chương trình, sáng kiến về huấn luyện và đào tạo được thực thi.

    Cùng với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng triển khai các chương trình đào tạo phát triển “may đo” cho doanh nghiệp mình; mức độ may đo thậm chí có thể thực hiện tới từng bộ phận chức năng, từng cá nhân người lao động. Các doanh nghiệp lớn có thể đầu tư xây dựng giải pháp riêng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sử dụng kết hợp các công cụ có sẵn, khả thi về mặt chi phí.

    Theo kinh nghiệm của một số tập đoàn lớn trên thế giới, cùng với sự trợ giúp từ các ứng dụng công nghệ, giải pháp đào tạo hiệu quả cần cân nhắc những khía cạnh sau.

    Một là, nội dung chương trình đào tạo phải tạo cơ hội cho người học được trải nghiệm, thay vì học tập đơn thuần.

    Hai là, hàm lượng kiến thức tinh gọn và được chia nhỏ vừa đủ để ghi nhớ.

    Ba là, nội dung được cá thể hóa để phù hợp với các đối tượng có nhu cầu và năng lực học tập khác nhau.

    Bốn là, khoảng cách thời gian giữa việc học lý thuyết và thực hành vừa đủ.

    Năm là, doanh nghiệp có không gian để nhân viên suy ngẫm, đối chiếu với thực tế nhằm hiểu sâu hơn kiến thức.

    Sáu là, tạo cho nhân viên thói quen chuẩn bị và thái độ tích cực đối với việc học tập để họ tự xác định điều bản thân cần cải thiện nhất để ứng dụng kiến thức hiệu quả.

    Bảy là, sử dụng yếu tố cảm xúc trong nội dung đào tạo hoặc trong phương thức truyền tải giúp người học ghi nhớ lâu hơn.

    (Nguồn. Đầu tư chứng khoáng)