Ngành nào có nhiều việc làm và lương cao nhất tại TP.HCM?
Năm 2019, ngành Quản lý điều hành, Kinh doanh tài sản – Bất động sản có mức lương bình quân hàng tháng cao nhất trong số các ngành nghề được thống kê.
Theo báo cáo thị trường lao động năm 2019 và dự báo nhu cầu nhân lực 2020 của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, 8 ngành nghề sau đây có mức thu nhập bình quân tháng cao:
Quản lý điều hành (10,82 triệu đồng), Kinh doanh tài sản – Bất động sản (10,48 triệu đồng), Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (9,66 triệu đồng), Biên phiên dịch (9,53 triệu đồng), Bưu chính – Viễn thông – dịch vụ công nghệ thông tin (9,23 triệu đồng), Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng (8,67 triệu đồng), Biên tập viên (8,55 triệu đồng), Công nghệ thông tin (8,41 triệu đồng).
Thống kê từ kết quả khảo sát, mức lương được các nhà tuyển dụng đăng tuyển thường xuyên từ 5-10 triệu, chiếm 63,78%; trên 10-15 triệu chiếm 15,97%, trên 15 triệu chiếm 5,38%.
Trong khi đó, mức lương mà người tìm việc mong muốn phổ biến từ 5 triệu trở lên, chủ yếu tập trung cao ở mức từ 5-10 triệu (49,48%). Mức từ 10-15 triệu chiếm 17,07%; trên 15 triệu chiếm 9,36%.
Theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, những người có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng hội tụ nhiều yếu tố: Năng lực, kỹ năng, thái độ làm việc, am hiểu công nghệ, ngoại ngữ, đều ở mức tốt.
“Hiện nhiều công ty, doanh nghiệp than thở rằng không tìm được lao động ở những vị trí có mức lương cao vì lao động của chúng ta không có đủ kỹ năng, năng lực tương xứng với vị trí công việc đó”, ông Tuấn cho hay.
Báo cáo thống kê nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung một số ngành nghề: Kinh doanh – Thương mại, Tài chính – Kế toán, Hành chính văn phòng, Vận tải, Công nghệ thông tin, Kiến trúc – Công trình xây dựng, Cơ khí.
Nhưng theo kết quả khảo sát 43.551 doanh nghiệp về nhu cầu nhân lực năm 2019, nhu cầu tuyển dụng của họ tập trung ở các ngành: Kinh doanh – Thương mại (23,31%), Cơ khí – Tự động hóa (6,62%), Dịch vụ phục vụ (5,54%), Kinh doanh tài sản – Bất động sản (5,47%), Công nghệ thông tin (5,03%), Kế toán – Tài chính (7,17%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (4,82%), Vận tải và Dệt – May – Giày da (4,14%).
“Nói cách khác, những ngành này có nhiều vị trí việc làm cho người lao động. Tính cạnh tranh khi tìm việc làm trong những ngành này thấp hơn ngành khác”, ông Tuấn giải thích.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chú trọng hơn trong tuyển dụng lao động qua đào tạo và có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và tiến đến cách mạng công nghiệp 4.0, chất lượng lao động càng được chú trọng.
“Càng ngày, doanh nghiệp càng muốn tuyển dụng lao động đã qua đào tạo hơn. Theo phân tích của chúng tôi, trong năm 2019, doanh nghiệp chú trọng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm 83,99%, tăng 7,82% so với năm 2018”, ông Tuấn Anh cho biết.
Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 21,72%, cao đẳng chiếm 19,03%, trung cấp chiếm 28,44%, sơ cấp nghề chiếm 14,80%.
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp này tập trung ở một số ngành: Cơ khí; Điện lạnh – Điện Công nghiệp; Điện tử – Công nghệ thông tin; Kế toán; Hành chính văn phòng; Quản lí điều hành; Tài chính – Ngân hàng; Kiến trúc kỹ thuật công trình xây dựng; Vận tải; Công nghệ thực phẩm.
Một số nơi vẫn cần nhân lực chưa qua đào tạo, số này chiếm 16,01% thị trường lao động và tập trung ở các ngành: Dịch vụ phục vụ, kinh doanh, lao động phổ thông trong các lĩnh vực thâm dụng lao động…
(Nguồn. Báo mới)