Thẻ: quy định về lương

  • Mẫu Quyết định tăng lương giúp “giữ chân” người lao động

    Mẫu Quyết định tăng lương giúp “giữ chân” người lao động

    Tăng lương luôn là điều mà mọi người lao động đều mong muốn khi đi làm. Chúng tôi cung cấp Mẫu Quyết định tăng lương giúp các doanh nghiệp “giữ chân” người lao động lâu nhất.

    Ý nghĩa của việc tăng lương

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật Lao động 2012, “chế độ nâng bậc, nâng lương” là một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng lao động.

    Chính vì vậy, ngoài mức lương chính thức khi bắt đầu tuyển dụng thì điều khoản về chính sách nâng lương luôn được nhiều người lao động quan tâm.

    Ngày nay, trên thị trường lao động, không riêng người lao động đi tìm kiếm việc làm mà ngay cả người sử dụng lao động cũng đi “giành giật” người lao động.

    Do đó, việc có một mức lương hợp lý với chế độ đãi ngộ tốt cùng lộ trình thăng tiến, tăng lương rõ ràng là điều quan trọng để “giữ chân” những người lao động xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.

    Mỗi doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện của mình để có chính sách nâng lương xứng đáng, bằng việc thực hiện theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc theo quy chế doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể (khoản 2 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP).

    (Nguồn. Luatvietnam)

  • Tiền lương tối thiểu năm 2020 có thể tăng thêm bao nhiêu?

    Tiền lương tối thiểu năm 2020 có thể tăng thêm bao nhiêu?

    Theo Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành quy định, căn cứ xác định tiền lương tối thiểu là dựa vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế xã hội, giá cả sức lao động trên thị trường.

    Sáng nay 14-6, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ chính thức họp phiên đầu tiên để đưa ra mức tăng lương tối thiểu năm 2020.

    Báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của tổ chức Oxfam công bố mới đây cho thấy, một số ngành nghề mức lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống của người lao động. Đơn cử như trong ngành may, có đến 99% thu nhập người lao động thấp hơn mức lương đủ sống theo tiêu chuẩn của AFW. Đặc biệt, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất.

    Qua theo dõi báo cáo của các doanh nghiệp hằng năm, ông Lê Đình Quảng cho rằng, hầu hết doanh nghiệp đều tuân thủ quy định về lương tối thiểu cho người lao động. Những doanh nghiệp không có điều chỉnh do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn chỉ chiếm số ít, chủ yếu rơi vào một số doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ. Trong đó, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%, đời sống của người lao động đã ngày càng được cải thiện, số công nhân được hưởng lợi từ tăng tiền lương tối thiểu là rất lớn. Đáng chú ý, ở nhóm có lương cao hơn lại có mức tăng thấp hơn trong khi ở nhóm có mức lương thấp lại tăng cao hơn, điều này chứng tỏ mức điều chỉnh ngày càng tiệm cận dần với nhu cầu sống tối thiểu.

    Trong khi đó, Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương đã nêu rõ, đến năm 2020 tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Do đó, dự báo về mức tăng lương tối thiểu năm tới, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, việc thương lượng tiền lương giữa các bên gồm giới chủ và đại diện người lao động năm nay sẽ rất căng thẳng.

    Tuy nhiên, trên thực tế, với mức tăng như vậy cũng mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, đời sống của một bộ phận công nhân hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dẫn kết quả khảo sát của tổ chức công đoàn trong năm 2018, ông Quảng cho biết, tiền lương cơ bản trung bình (nếu làm đủ giờ) hiện nay của người lao động mới đạt khoảng 4,67 triệu đồng. Trong đó, mức độ hài lòng của người lao động về thu nhập và việc làm của mình chưa đạt đến 40%.

    Theo Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành quy định, căn cứ xác định tiền lương tối thiểu là dựa vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế xã hội, giá cả sức lao động trên thị trường. Trong đó, nhu cầu sống tối thiểu là một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định mức lương tối thiểu, hiện nay đang dựa theo các các tiêu chí như: nhu cầu lương thực thực phẩm; nhu cầu phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con.

    Tuy nhiên, do không thống nhất về công thức tính chung, nên hàng năm vào mùa thương lượng tiền lương, mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về nhu cầu sống tối thiểu. Điều này dẫn đến những tranh cãi gay gắt về mức tăng lương tối thiểu. Ông Lê Đình Quảng cho rằng, nếu tiếp tục cách tính toán mức sống tối thiểu cũ thì năm nay sẽ phải tăng ở mức rất cao, ít nhất phải 7% mới đáp ứng được 100% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

    Bên cạnh đó, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng hơn cả của việc thương lượng tiền lương năm nay chưa hẳn là ở mức tăng bao nhiêu mà chính là ở cách xác định mức sống tối thiểu của người lao động. Bởi, khi đã thống nhất được một cách tính chung thì mức tăng sẽ tiệm cận và hài hòa được lợi ích cho cả người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

    Để chuẩn bị cho công tác đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu năm 2020, tổ chức Công đoàn đã tiến hành lấy ý kiến của cả doanh nghiệp và người lao động về tình hình thu nhập, tiền lương và đời sống, để nắm bắt nhu cầu sống tối thiểu của người lao động hiện nay.

    Trước đó, năm 2018, để đưa ra mức tăng 5,3% cho lương tối thiểu năm 2019, Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải trải qua 3 phiên họp căng thẳng để tìm được tiếng nói chung giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.

    (Nguồn. Nguoilaodong)

  • Điểm mới về tiền lương trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

    Điểm mới về tiền lương trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

    Lương tối thiểu vùng được xây dựng trên 5 căn cứ, hoán đổi tiêu chí nhu cầu sống tối thiểu, bóc tách các khoản khi trả lương, trả lương cho người được uỷ quyền hợp pháp…

    Dự thảo Bộ luật Luật Lao động đang được lấy ý kiến, trong đó có nhiều quy định mới về tiền lương. Đáng lưu ý là 5 tiêu chí mới để xác định, điều chỉnh lương tối thiểu (LTT).

    Về mức lương tối thiểu

    Khoản 1 Điều 91 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định: mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ. Thực tiễn thực hiện quy định này trong thời gian vừa qua cho thấy việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng vì nhu cầu sống gồm cả nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần. Trong khi, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá rằng mức LTT vùng hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

    Quá trình soạn thảo, có ý kiến đề xuất: Sửa đổi quy định mức LTT theo hướng đảm bảo “mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” và đề nghị bổ sung thêm các yếu tố xác định mức LTT vùng để làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất. Do vậy, dự thảo Luật hiện đang thể hiện theo Phương án trên tại Điều 91, 92 và bổ sung một điều mới 92.

    Dự thảo sửa đổi đã đưa ra khái niệm ngắn gọn hơn so với Luật hiện hành về LTT: “Mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường“.

    Trong khi đó, khái niệm về LTT trong Luật Lao động 2012 (hiện hành), ngoài thông tin trên còn được bổ sung thêm nội dung: “phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”.

    Nội dung “đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” đã được Dự thảo chuyển thành 1 trong 5 tiêu chí mới xác định, điều chỉnh LTT gồm: Mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; Tương quan giữa lương tối thiểu và mức lương phổ biến của NLĐ trên thị trường; Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; Quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; Năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

    Bên cạnh đó, Dự thảo quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải tham khảo ý kiến tổ chức của NLĐ tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và công bố công khai tại nơi làm việc. Về trả lương, Dự thảo quy định việc trả bằng tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp trả cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

    Mỗi lần trả lương, NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ, gồm: Mức lương cơ bản; tiền trả làm thêm giờ và khoản tiền khác (nếu có); nội dung và tiền bị khấu trừ theo quy định tại của Bộ luật này.

    Quy định mới về lương

    Về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:

    Dự thảo quy định, NLĐ làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

    • Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%.
    • Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%.
    • Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.

    Việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn quy định ở khoản này thì do hai bên thỏa thuận để thực hiện.

    NLĐ làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày. NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc được trả theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, NLĐ còn được trả thêm ít nhất bằng 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày. Về nguyên tắc, NSDLĐ trả lương trực tiếp cho NLĐ. Trường hợp bất khả kháng mà không thể thực hiện trả lương trực tiếp, Dự thảo quy định NSDLĐ có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.

    (Nguồn. Người lao động)

  • Từ 1-7, lương công chức loại A1 tăng ít nhất 234.000 đồng/tháng

    Từ 1-7, lương công chức loại A1 tăng ít nhất 234.000 đồng/tháng

    (NLĐO) – Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang áp dụng từ ngày 1-7-2019.

    Theo Dự thảo, từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở tăng thêm 100.000 đồng, từ 1.390.000 đồng/tháng hiện nay lên 1.490.000 đồng/tháng.

    Mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ để:

    – Tính lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Dự thảo Nghị định;

    – Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

    – Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

    Mặt khác, theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, công chức loại A1 có hệ số lương bậc 1 là 2,34. Mức lương công chức loại A1 bậc 1 sẽ được tính như sau:

    Mức lương thực hiện từ 01/7/2019 = 1.490.000 x 2,34 = 3.486.600 (đồng).

     

    Như vậy, từ ngày 1-7-2019, lương công chức loại A1 bậc 1 là 3.486.600 đồng/tháng,tăng 234.000 đồng so với mức lương hiện hành (3.252.600 đồng/tháng).

    (Nguồn. Người lao động)

  • Từ ngày 1-7- 2019, mức lương cơ sở tăng lên 1.490.000 đồng/tháng

    Từ ngày 1-7- 2019, mức lương cơ sở tăng lên 1.490.000 đồng/tháng

    Chính phủ ban hành Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

    Theo đó, quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở cấp huyện, ở cấp xã, ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

    Từ ngày 1-7- 2019, mức lương cơ sở tăng lên 1.490.000 đồng/tháng

    Từ ngày 1-7-2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng (tăng 100.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành).

    Mức lương cơ sở này dùng làm căn cứ để:

    – Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;

    – Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;

    – Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

    (Nguồn. Người lao động)