Thẻ: BHXH

  • Hướng dẫn tham gia BHXH cho người nước ngoài tại Việt Nam

    Hướng dẫn tham gia BHXH cho người nước ngoài tại Việt Nam

    Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH)? Nếu có thì việc đóng, hưởng sẽ phải thực hiện như thế nào?

    Dưới đây là hướng dẫn tham gia bhxh cho người nước ngoài tại Việt Nam:

    Cứ là lao động nước ngoài thì phải tham gia BHXH?

    Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, lao động nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH khi:

    – Có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

    – Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

    Ngoại trừ 02 trường hợp dưới đây lao động nước ngoài sẽ không phải tham gia BHXH bắt buộc:

    – Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật của doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện, và được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước ít nhất 12 tháng;

    – Đã đủ tuổi nghỉ hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).

    Cách tham gia BHXH lần đầu cho người nước ngoài

    Để tham gia BHXH, cả người lao động và đơn vị sử dụng lao động nước ngoài đều phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, cụ thể:

    – Với người lao động: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS).

    – Với đơn vị sử dụng lao động:

    + Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK3-TS);

    + Danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Mẫu D02-TS);

    + Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

    Trong vòng 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ, người lao động sẽ được cấp mới sổ BHXH.

    Mức đóng BHXH cho người nước ngoài

    Hàng tháng, người lao động nước ngoài và đơn vị sử dụng lao động nước ngoài phải đóng BHXH với mức đóng như sau:

    Muc Dong BHXH Cho Nguoi Nuoc Hoai

    Lưu ý:

    – Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động, tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở.

    – Người lao động giao kết hợp đồng với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc thì chỉ đóng BHXH với hợp đồng đầu tiên. Riêng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì phải đóng theo từng hợp đồng đã giao kết.

    Người lao động, không phân biệt lao động Việt Nam hay lao động nước ngoài, nếu thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều phải làm tròn nghĩa vụ này.

    (Nguồn. Luatvietnam)

  • Những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 28 về chính sách bảo hiểm xã hội

    Những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 28 về chính sách bảo hiểm xã hội

    Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) (Nghị quyết số 28-NQ/TW) vừa được ban hành có nhiều nội dung mới quan trọng, rất đáng lưu ý.

    Theo đó, những điểm mới nổi bật của Nghị quyết 28 về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bao gồm các nội dung sau:

    Thêm 4 đối tượng bắt buộc tham gia BHXH

    4 đối tượng mở rộng bắt buộc tham gia BHXH bao gồm: Chủ hộ kinh doanh; Người quản lý doanh nghiệp (DN) không hưởng tiền lương; Người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ linh hoạt.

    Giảm 1/2 số năm đóng BHXH để được hưởng hưu trí

    Điều kiện hưởng chế độ hưu trí sẽ sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới chỉ còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp cho NLĐ, tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

    Thiết kế gói BHXH ngắn hạn cho NLĐ

    Gói BHXH ngắn hạn dành cho người tham gia BHXH tự nguyện, giúp họ linh hoạt lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

    Gói BHXH cho NLĐ làm việc ở khu vực phi chính thức: Lao động phi chính thức mang đặc điểm là việc làm bấp bênh, không ổn định, thu nhập thấp và đôi khi thời gian làm việc dài. Nhóm lao động này thường không ký hợp đồng lao động và khả năng được đóng BHXH rất hạn chế.

    NLĐ được nghỉ hưu trước 5 tuổi so với quy định

    Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định chung.

    Sửa đổi quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH

    Theo đó, sẽ thay đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.

    Nghiên cứu điều chỉnh tỉ lệ đóng vào Quỹ BHXH theo hướng hài hoà quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động với mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH.

    Trả lương hưu không phụ thuộc vào tiền lương

    Thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc. Thực hiện điều chỉnh trợ cấp hưu trí xã hội theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; Lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách nhà nước; Quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

    Đầu tư trái phiếu chính phủ vào Quỹ BHXH

    Tăng cường công tác đánh giá, dự báo tài chính, hiệu quả đầu tư các Quỹ BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của Quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế.

    Sửa đổi cách tính lương hưu

    Cách tính lương hưu sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ tích lũy, bảo đảm khả năng cân đối Quỹ Hưu trí trong dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Có lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian tham gia BHXH thực tế, bảo vệ quyền lợi của người hưởng chế độ hưu trí theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng và chia sẻ phù hợp.

    Hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần

    Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

    Sửa đổi các quy định để khuyến khích người lao động tham gia BHXH thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỉ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với người lao động muốn nhận chế độ hưu trí sớm.

    Đơn giản hóa thủ tục đóng BHXH

    Thông qua cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

    (Nguồn. Anninhthudo)

  • Chuyên viên C&B là ai? Giữ vai trò gì trong phòng nhân sự

    Chuyên viên C&B là ai? Giữ vai trò gì trong phòng nhân sự

    C&B là một bộ phận thuộc phòng Nhân sự. Chuyên viên C&B được coi là người nắm cán cân thu nhập của mọi nhân viên, do đó vị trí này đóng vai trò quan trọng và có tiếng nói trong doanh nghiệp.

    C&B là người trực tiếp nắm mảng lương thưởng và chế độ chính sách trong doanh nghiệp. Đảm bảo quyền lợi, xử lý các vấn đề thanh toán, khiếu nại về lương, thưởng, bảo hiểm, nghỉ phép… và một số chế độ khác của nhân viên.

    Cấu trúc cơ bản của một phòng nhân sự

    • Tuyển dụng (R: Recruitment)
    • Đào tạo và phát triển (T&D: Training & Development)
    • Chế độ trả lương và phúc lợi (C&B: Compensation & Benefit)

    Chuyên viên nhân sự C&B đảm nhiệm

    • Xây dựng thang bảng lương và quy trình trả lương
    • Xây dựng hệ thống cấp bậc trong công ty
    • Xây dựng chính sách tiền lương, phúc lợi, khen thưởng
    • Khảo sát mức độ hài lòng nhân viên, thay đổi chính sách khi cần thiết

    Mô tả công việc chi tiết

    • Quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình chấm công và thực hiện nội quy lao động về giờ giấc làm việc, chế độ nghỉ phép, tăng ca,… các chế độ khác theo quy định đã đề ra của toàn bộ nhân viên công ty
    • Tính toán và làm thủ tục chi lương, thưởng hàng tháng và vào các dịp lễ, tết
    • Tổ chức lưu trữ, sắp xếp, cập nhật và bảo quản hồ sơ lương, các quyết định nhân sự, hợp đồng lao động,…
    • Theo dõi, quản lý các chính sách phúc lợi của công ty, cập nhật số liệu tăng giảm BHXH, BHYT, BHTN, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục và đối chiếu với cơ quan BHXH hàng tháng.
    • Lập danh sách nhân viên phải nộp thuế thu nhập, viết hóa đơn thu nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động (nếu có)
    • Đề xuất xây dựng các chính sách, chế độ phúc lợi, chính sách về lương, khen thưởng, các quy định, quy chế,…
    • Cập nhật, bổ sung các quy định của pháp luật về lương, chính sách, chế độ để nhanh hoán sửa đổi, hoàn thiện chính sách của công ty đúng pháp luật
    • Giải quyết xin nghỉ phép, thôi việc cho nhân viên
    • Giải đáp mọi thắc mắc liên quan chính sách lương và các vấn đề liên quan khác

    Chuyen Vien CB

    Vai trò của chuyên viên nhân sự C&B

    • Là một trong những bộ phận quan trọng, giúp doanh nghiệp đo lường được giá trị công việc và chuyển đổi ra giá trị thực tế
    • Giúp doanh nghiệp đưa ra những chính sách lương, thưởng, phúc lợi phù hợp, thỏa mãn về lợi ích cao nhất, công bằng nhất cho cả người lao động và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công việc, ổn định nhân sự và giữ chân nhân tài.

    Lộ trình thăng tiến sự nghiệp của chuyên viên C&B

    C&B Officer → C&B Specialist → C&B Supervisor → C&B manager

    Những yêu cầu và kỹ năng cần

    • Kỹ năng cập nhật, áp dụng pháp luật nhanh chóng, chính xác
    • Nắm được các công tác tổ chức biên chế (tăng giảm nhân sự, biến động nhân sự, cơ cấu nhân sự, hợp đồng lao động), chính sách lương…
    • Tỉ mỉ, cẩn thận chi tiết, trí nhớ tốt
    • Có khả năng nắm bắt, tổng hợp và tổ chức công việc
    • Sở hữu kỹ năng xử lý, phân tích số liệu
    • Tin học văn phòng, đặc biệt kỹ năng Excel, Access
    • Có thể kiêm hầu hết các nghiệp vụ nhân sự
    • Ngoại ngữ tốt là một ưu thế

  • Giám đốc nhân sự quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?

    Giám đốc nhân sự quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?

    Bill Gates cho rằng: Một công ty muốn phát triển nhanh thì phải làm tốt việc tìm ra nhân tài, đặc biệt là những nhân tài vượt trội. Thực tế, người lãnh đạo không thể “một tay ôm cả bầu trời”, họ không có đủ thời gian cũng như trực tiếp làm mọi việc mà cần đến rất nhiều những bộ phận giúp việc khác. Mọi áp lực tìm người và giữ người được đặt lên vai của người giám đốc nhân sự. Vậy ở doanh nghiệp, công việc chính và vai trò giám đốc nhân sự quan trọng như thế nào?

    Giám đốc nhân sựđược xem là một cố vấn chiến lược, nhà quản lý tài sản nhân lực của một tổ chức. Là người chịu trách nhiệm việc thiết kế và triển khai kế toán nhân sự tổng thể của công ty, dự đoán trước được những xu hướng phát triển của nguồn lao động tại nhiều thời điểm khác nhau, kiểm soát các số liệu, báo cáo liên quan đến việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển, các chính sách đãi ngộ, quy chế kèm theo cho nhân viên, từ đó xây dựng nên một tổ chức lực lượng lao động trẻ, năng lực và chất lượng nhất.

    Giam Doc Nhan Su

    Mô tả công việc giám đốc nhân sự

    • Đưa ra kế hoạch/chiến lược nhân sự tổng thể theo hướng ngắn hạn và dài hạn, trình bày kế hoạch với ban quản trị và toàn thể công ty
    • Tham mưu, đề xuất cho Tổng giám đốc các vấn đề thuộc lĩnh vực nhân sự như: xây dựng cơ cấu tổ chức, điều hành của công ty, công tác đào tạo tuyển dụng, các phương án về lương bổng, khen thưởng các chế độ phúc lợi cho người lao động,…
    • Điều hành, quản lý đội nhóm, các phòng ban nhỏ trực thuộc bộ phận nhân sự của doanh nghiệp
    • Hiểu rõ ngành nghề của doanh nghiệp, đưa ra đề xuất tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm nhân sự / phòng ban mới phù hợp với xu thế kinh doanh hiện đại, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp theo định kỳ tháng/quý/năm.
    • Tìm ra những kẽ hở trong vấn đề nhân sự của doanh nghiệp (thiếu nhân sự, thiếu năng lực, kiến thức hay thái độ làm việc, …). Chịu trách nhiệm giải quyết sự việc, thõa mãn những khúc mắc của nhân viên.
    • Phân tích, sắp xếp, đánh giá tình hình dựa vào những số liệu cụ thể liên quan đến nhân sự như: KPIS, tỷ lệ nghỉ việc, các chỉ tiêu… trong chính sách nhân sự có sự đồng bộ và phát triển cùng với kế hoạch doanh nghiệp không.
    • Thực hiện các nhiệm vụ về nhân sự khác mà ban quản trị ủy nhiệm

    Vai trò quan trọng thế nào với nhân viên?

    Có thể nói giám đốc nhân sự không chỉ là một nhà quản lý mà còn là một nhà tâm lý, cầu nối truyền tải hai chiều mọi thông điệp giữa ban lãnh đạo và nhân viên.

    Trong quá trình làm việc nhiều lúc nhân viên rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng, muốn rời bỏ công ty. Thân là một giám đốc nhân sự nên lắng nghe, chia sẻ, giải đáp các khúc mắc cũng như động viên, giữ chấn nhân sự trong những trường hợp cần thiết.

    Lắng nghe tình hình nhân sự trực tiếp hoặc thông qua các nhân viên trong phòng nhân sự để kịp thời có thể điều chỉnh, cập nhật chính sách quản lý và phát triển nhân sự công ty. Tạo động lực cho nhân viên phát triển năng lực cùng phấn đấu với doanh nghiệp, ngày càng làm việc hiệu quả hơn.

    Không dừng lại ở đó, giám đốc nhân sự còn là người truyền đạt thông tin, nội dung, quy định được ban hành từ phía ban lãnh đạo xuống nhân viên, chính thống, dễ hiểu, đảm bảo được tính minh bạch nhất. Có ý nghĩa rất lớn đối với sự xây dựng, vận hành và phát triển về văn hóa doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, vị thế trên thị trường.

    Những kỹ năng cần thiết

    Tiêu chuẩn công việc của Giám đốc nhân sự bao gồm: bằng cấp, đào tạo, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, tố chất sau đây:

    • Nắm vững bộ luật Lao động, luật Thuế TNCN, luật BHYT, BHXH, có kiến thức và kỹ năng quản trị nhân lực.
    • Tốt nghiệp các ngành liên quan tới Nhân lực, Quản trị và các ngành liên quan khác.
    • Có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị nhân sự với các vị trí tương đương như giám đốc nhân sự, trưởng phòng tuyển dụng, trưởng phòng đào tạo và phát triển, trưởng phòng chế độ – chính sách
    • Có kinh nghiệ trong lên kế hoạch và triển khai các chiến lược nhân sự dài hạn – ngắn hạn đã đề ra.
    • Có khả năng lãnh đạo, thuyết trình, dẫn dắt đội nhóm
    • Kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề nội bộ, khả năng làm việc 1-1 tốt.
    • Nhạy bén trong nắm bắt xu thế kinh doanh để tuyển dụng, bổ nhiệm các nhân sự mới, phù hợp với điểm khuyết thiếu của doanh nghiệp. Thấu hiểu và duy trì văn hóa doanh nghiệp

    >>> Một số phần mềm Giám đốc nhân sự cần trang bị hiện nay

  • Những thay đổi về số tiền đóng BHYT, BHXH bắt buộc từ ngày 1-7

    Những thay đổi về số tiền đóng BHYT, BHXH bắt buộc từ ngày 1-7

    Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2019 là 1.490.000 đồng/tháng; tăng 100.000 đồng so với quy định hiện hành.

    Nhung Thay Doi Ve So Tien Dong BHXH BHYT

    Vì vậy, kể từ ngày 1-7-2019 thì số tiền đóng BHYT và BHXH bắt buộc của một số đối tượng sau cũng có sự thay đổi đáng kể sau đây:

    1. Số tiền đóng BHYT:

    – Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã: 4.5% * 1.490.000 = 67.050 đồng/tháng (tăng 4.500 đồng/tháng).

    – Số tiền đóng BHYT theo hộ gia đình:

    + Người thứ nhất: 4.5% * 1.490.000 = 67.050 đồng/tháng (tăng 4.500 đồng/tháng).

    + Người thứ hai: 70% * 67.050 = 46.935 đồng/tháng (tăng 3.150 đồng/tháng).

    + Người thứ ba: 60% * 67.050 = 40.230 đồng/tháng (tăng 2.700 đồng/tháng).

    + Người thứ tư: 50% * 67.050 = 33.525 đồng/tháng (tăng 2.250 đồng/tháng).

    + Từ người thứ năm trở đi: 40% * 67.050 = 26.820 đồng/tháng (tăng 1.800 đồng/tháng).

    2. Số tiền đóng BHXH:

    – Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất:

    8% *1.490.000 = 119.200 đồng/tháng (tăng 8.000 đồng/tháng).

    – Số tiền tối đa đóng BHXH đối với NLĐ, người hưởng tiền lương do Nhà nước quy định.

    Khoản 3 Điều 89 Luật BHXH 2014 quy định tiền lương tháng tối đa để tính đóng BHXH là:

    1.490.000 * 20 = 29.800.000 đồng

    Như vậy, số tiền tối đa đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động theo quy định nêu trên là:

    1.490.000 x 20 x 8% = 2.384.000 đồng/tháng (tăng 60.000 đồng).

    Hiện hành, mức đóng BHYT và BHXH nêu trên được quy định tại Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Điều 89 Luật BHXH 2014.

    (Nguồn. Người lao động)

  • Tiền thưởng không tính vào tiền lương đóng BHXH

    Tiền thưởng không tính vào tiền lương đóng BHXH

    Trần Thị Thu Thủy (quận 10, TP HCM) hỏi: “Ngoài các khoản lương, phụ cấp, trợ cấp cố định hằng tháng, công ty tôi còn có thêm khoản thưởng tùy vào doanh số mỗi quý và kết thúc năm dựa trên bình bầu và đánh giá năng suất. Xin hỏi các khoản chi thường xuyên này có phải tính vào tiền lương đóng BHXH hay không?”.

    Tien Thuong

    Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời:

    Theo quy định, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại điều 103 Bộ Luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động. Do vậy, tiền thưởng của người lao động làm việc tại công ty không làm căn cứ để tính đóng BHXH bắt buộc.

    (Nguồn. Người lao động)

  • Suy giảm 20% sức lao động được hưởng chế độ gì?

    Suy giảm 20% sức lao động được hưởng chế độ gì?

    Lê Đình Quốc An (huyện Bình Chánh, TP HCM) hỏi: “Vừa qua, tôi bị tai nạn lao động (TNLĐ) và được cơ quan giám định kết luận suy giảm 20% sức lao động. Tôi đã nộp hồ sơ cho công ty để làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ nhưng chưa được giải quyết. Xin hỏi thời gian giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ là bao lâu và tôi sẽ được hưởng những chế độ gì?”.

    Quyền lợi khi bị giảm khả năng lao động

    BHXH TP HCM trả lời:

    Điều 46 Luật BHXH quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

    Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH. Cụ thể, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

    Theo quy định tại điều 106 của luật này, thời hạn giải quyết hưởng chế độ TNLĐ là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không giải quyết thì cơ quan BHXH phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    (Nguồn. Người lao động)

  • Doanh nghiệp trốn đóng BHXH, người lao động phải làm sao?

    Doanh nghiệp trốn đóng BHXH, người lao động phải làm sao?

    Doanh nghiệp cố tình ăn chặn tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), thậm chí lách luật, áp dụng nhiều hình thức lao động khác nhau để trốn đóng BHXH. Vậy người lao động nên làm gì khi công ty không đóng BHXH cho mình?

    Ai bắt buộc phải tham gia BHXH?

    Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động là công dân Việt Nam bắt buộc phải tham gia BHXH khi:

    – Làm việc theo hợp đồng có thời hạn/không có thời hạn, theo mùa vụ hoặc theo công việc có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

    – Làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

    – Cán bộ, công chức, viên chức;

    ……

    Doanh Nghiem Tron Dong BHXH Nguoi Lao Dong Nen Lam Gi

    Nên làm gì khi công ty không đóng BHXH?

    Khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khẳng định, người lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    Chính vì vậy, khi phát hiện công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động nên thực hiện theo trình tự dưới đây:

    1. Khiếu nại tới Ban Giám đốc Công ty, tổ chức công đoàn công ty

    Đây là những người có thẩm quyền xem xét, giải quyết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

    Trong vòng 180 ngày, kể từ ngày biết được công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH (khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).

    2. Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội

    Trong 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

    Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội là chủ thể cuối cùng về giải quyết khiếu nại của người lao động theo thủ tục hành chính.

    (Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)

    Lưu ý:

    – Cả hai lần khiếu nại, người lao động đều có thể khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn.

    – Đồng thời, nên khiếu nại đích danh. Nếu khiếu nại nặc danh thì có thể đơn khiếu nại sẽ không được giải quyết, vì người giải quyết khiếu nại sẽ không biết phải gửi văn bản trả lời giải quyết khiếu nại đến ai.

    3. Yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết (không bắt buộc)

    Việc tham gia BHXH gắn liền với quyền lợi của người lao động, chính vì vậy, để bảo vệ người lao động, pháp luật không yêu cầu tranh chấp về BHXH bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.

    Trong vòng 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra công ty không đóng BHXH, người lao động được yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp (Điều 202 Bộ luật Lao động 2012).

    4. Khởi kiện đến Tòa án nhân dân

    Người lao động khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm khi:

    – Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại;

    – Hoà giải không thành;

    – Hết thời hạn mà không được giải quyết khiếu nại, hòa giải;

    – Công ty vẫn không đóng.

    (Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

    Trên đây là những việc người lao động nên làm khi công ty không đóng BHXH cho mình. Ngoài ra, để hiểu rõ hơn các quá trình của mình khi tham gia BHXH, độc giả có thể tham khảo tại đây.

    (Nguồn. Luật Việt Nam)

  • Hướng dẫn tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT bằng SMS

    Hướng dẫn tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT bằng SMS

    Với mục đích đem lại nhiều tiện ích người tham gia BHXH, BHYT, giờ đây, người lao động có thể dễ dàng tra cứu việc đóng BHXH, BHYT của mình chỉ bằng một tin nhắn.

    Lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT

    BHXH, BHYT là hai trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng hàng đầu, góp phần ổn định đời sống kinh tế, xã hội của người dân.

    Bằng việc tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, người lao động được chăm sóc về sức khỏe và đảm bảo về thu nhập trong suốt quá trình lao động cho đến khi chết với các chế độ cơ bản như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

    Bên cạnh đó, dù tham gia với hình thức BHXH tự nguyện thì người lao động cũng được hưởng những quyền lợi nhất định đủ để đảm bảo cuộc sống khi về già.

    (Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

    Cách tra cứu quá trình đóng BHXH, BHYT bằng tin nhắn

    Tham gia BHXH, BHYT là việc làm của toàn dân, chính vì vậy, bất cứ ai cũng cần được biết và theo dõi quá trình tham gia của mình.

    Nếu như trước kia, để biết được thông tin này, người lao động ít nhất phải có một chiếc máy tính hoặc một chiếc điện thoại di động thông minh (smartphone) nếu muốn tra cứu trực tuyến. Cũng có thể có những người sẽ trực tiếp lấy thông tin từ người sử dụng lao động nơi mình làm việc hoặc đến tận cơ quan BHXH.

    Tuy nhiên, những cách thức này không thực sự hữu ích khi không phải ai cũng có điều kiện, đặc biệt là người lao động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… Và người sử dụng lao động cũng không có quá nhiều thời gian để có thể cung cấp thông tin cho từng người lao động.

    Nhận thấy những bất cập này, mới đây, BHXH Việt Nam đã cung cấp hình thức tra cứu quá trình đóng BHXH, BHYT bằng tin nhắn để đến gần hơn với người dân.

    Và để có được những thông tin này, trước hết, người tham gia phải cung cấp số điện thoại cho đơn vị, đại lý nơi mình tham gia để được cập nhập vào cơ sở dữ liệu do cơ quan BHXH quản lý.

    Hướng dẫn tra cứu quá trình đóng bhxh, bhyt bằng sms

    Theo Công văn 330/CNTT-PM, chỉ với chiếc điện thoại đơn giản, người dân có thể soạn tin nhắn theo cú pháp:

    Tra cứu thời gian đóng BHXH:

    TC BHXH {mã số BHXH} gửi 8179

    Ví dụ: TC BHXH 0110129425 gửi 8179

    Tra cứu thời gian đóng BHXH theo khoảng thời gian:

    TC BHXH {mã số BHXH} {từ tháng/năm} {đến tháng/năm} gửi 8179

    Ví dụ: TC BHXH 0110129425 012016 122018 gửi 8179

    Tra cứu thời gian đóng BHXH theo khoảng thời gian theo năm:

    TC BHXH {mã số BHXH} {từ năm} {đến năm} gửi 8179

    Ví dụ: TC BHXH 0110129425 2016 2018 gửi 8179

    Tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT:

    TC BHYT {mã thẻ BHYT} gửi 8179

    Ví dụ: TC BHYT HC4010110129425 gửi 8179

    Tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ:

    TC HS {mã hồ sơ} gửi 8179

    Ví dụ: TC HS 03524_G/2018/04904 gửi 8179

    Có thể thấy, với tiện ích này, người lao động hoàn toàn dễ dàng trong việc nắm bắt, theo dõi quá trình đóng, hưởng BHXH, BHYT của mình.

    (Nguồn. Luật Việt Nam)

  • Không đóng BHXH, cả người lao động và doanh nghiệp đều bị phạt

    Không đóng BHXH, cả người lao động và doanh nghiệp đều bị phạt

    Tham gia bảo hiểm xã hội vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của người lao động. Thế nhưng, vẫn có trường hợp người lao động và doanh nghiệp cố tình không đóng. Trong trường hợp này, người lao động và doanh nghiệp bị phạt thế nào?

    Mức phạt với người lao động
    Bảo hiểm xã hội có bản chất là sự bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, về hưu… Chính vì thế, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và yêu cầu tất cả người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải tham gia.

    Hàng tháng, người lao động phải đóng 9% tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

    Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, hành vi người lao động bắt tay thỏa thuận với doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng, đồng thời bị buộc truy nộp số tiền bảo hiểm chưa đóng.

    Muc Luong Dong

    Mức phạt với doanh nghiệp

    Nếu như người lao động chỉ phải đóng 9% tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì doanh nghiệp phải đóng 18,5%. Do đó, thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp “trốn” nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội.

    Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ chịu mức phạt nghiêm khắc. Cụ thể như sau:

    – Phạt tiền từ 18% – 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm bị lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng;

    – Bị buộc truy nộp số tiền bảo hiểm chưa đóng;

    – Bị buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm chưa đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

    Như vậy, trong trường hợp người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận về việc không đóng BHXH thì cả người lao động và doanh nghiệp đều bị phạt. Trường hợp người lao động muốn đóng nhưng doanh nghiệp cố tình không đóng thì chỉ doanh nghiệp chịu phạt.

    Nguồn: LuatVN.vn