Thủ tướng gặp gỡ công nhân kỹ thuật cao (*): Động lực phát triển của đất nước

Hôm nay (5-5), tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ với 1.000 công nhân kỹ thuật cao. Trước thềm cuộc gặp này, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Phóng viên: Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với 1.000 công nhân (CN), lao động kỹ thuật cao được xem là điểm nhấn của Tháng CN 2019, ông có thể nói rõ hơn mục đích, ý nghĩa của chương trình?

– Ông Bùi Văn Cường: Chủ đề của Tháng CN năm nay là “Mỗi Công đoàn (CĐ) cơ sở – Một lợi ích đoàn viên”. Với ý nghĩa ấy và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ CN, lao động kỹ thuật cao tại TP HCM. Đây là diễn đàn để người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, hiến kế cũng như thấy được sự đóng góp quan trọng của đội ngũ CN, lao động kỹ thuật cao với sự phát triển của doanh nghiệp (DN), địa phương, ngành và đất nước; cũng là dịp để đoàn viên, CN, lao động được đón nhận thông điệp của Chính phủ gửi tới người lao động (NLĐ) cả nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác và Tháng CN năm 2019.

Cuộc gặp gỡ này một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với CNLĐ, khẳng định CĐ đồng hành vì quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn cho NLĐ. Đặc biệt, trong bối cảnh Đảng, nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.

 Chủ đề buổi gặp gỡ là “Công nhân, lao động kỹ thuật cao – một trong những động lực phát triển đất nước”. Là người đứng đầu tổ chức CĐ Việt Nam, ông có kỳ vọng gì?

– Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cơ hội cũng như đan xen cả những thách thức, đó là vấn đề việc làm bền vững và bất bình đẳng trong thu nhập… Đồng thời, công việc sẽ đòi hỏi những lao động được đào tạo cơ bản tốt, có tư duy và trí tuệ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Trong xu thế hội nhập nói chung, chúng ta cần phải phân biệt, lao động kỹ thuật cao và lao động qua đào tạo. Lao động trình độ cao là những người trực tiếp làm việc tại các vị trí có liên quan mật thiết tới sự ra đời, phát triển, truyền bá và ứng dụng tri thức. Đây là lực lượng có kiến thức, tư duy và kỹ năng để đảm nhận các công việc phức tạp, có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo trong quá trình lao động sản xuất.

Đầu tư cho lực lượng CN, lao động kỹ thuật cao phải là chuỗi mắt xích: Cơ chế, chính sách từ Chính phủ, sự nỗ lực của DN trong việc đổi mới công nghệ hiện đại, nâng chất lượng đội ngũ lao động, nâng cao năng suất và bản thân những cố gắng từ chính những NLĐ  trong việc thích ứng, chủ động để trở thành người có trình độ cao. Do vậy, tại diễn đàn lần này, CN, lao động kỹ thuật cao sẽ đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về các chính sách phát triển khoa học công nghệ trong CN; các chính sách của DN, của địa phương để phát triển mạnh mẽ lực lượng CN, lao động kỹ thuật cao và chính sách tạo động lực để CN, lao động kỹ thuật cao phát triển bản thân. Đây cũng là dịp để cả hệ thống chính trị, NLĐ nhận thức rõ vai trò, vị trí của CN kỹ thuật cao để từ đó có chính sách phát triển đội ngũ này trong thời gian tới. Tất cả đều kỳ vọng cuộc gặp gỡ này tạo ra những bước ngoặt và yêu cầu thực tế là phải ngay lập tức có hành động, đột phá lấy DN và NLĐ làm trung tâm. Bởi lẽ, muốn đất nước phát triển nhanh, bền vững, năng suất lao động cao hơn thì nhà nước phải có chính sách để đổi mới khoa học công nghệ; DN phải vào cuộc để đổi mới dây chuyền công nghệ, vì như thế đòi hỏi đội ngũ CN, lao động kỹ thuật cao phải phát triển. Do đó, CN, lao động trình độ cao chính là yếu tố có tính quyết định để phát triển bền vững đất nước.

Công nhân kỹ thuật cao là động lực phát triển của đất nước. Muốn vậy, phải tạo cơ hội nâng cao tay nghề đi kèm chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý cho lực lượng này. Theo ông, phải làm gì để giải quyết bài toán này?

– Tôi xin trả lời câu hỏi này bắt đầu từ DN. Đa số DN sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu và đây cũng là trở ngại để CN có tay nghề tiếp cận với tri thức và kỹ thuật mới. Để tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tay nghề CN, rõ ràng DN không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ. Mua sắm trang hiết bị hiện đại buộc DN phải có lực lượng CN lành nghề để vận hành. Để giải quyết bài toán này, DN phải đầu tư chi phí đào tạo, nâng cao tay nghề cho NLĐ, xây dựng quy trình tuyển dụng bài bản, đặc biệt là có chế độ đãi ngộ tương xứng cho NLĐ.

Điều khiển máy móc hiện đại đồng nghĩa với việc gánh vác trách nhiệm nặng nề, do vậy lực lượng CN kỹ thuật cao thì phải được nhận mức lương và chế độ đãi ngộ tương xứng. Mức lương cào bằng, thiếu chế độ đãi ngộ đặc biệt từ DN cũng như chính sách an sinh xã hội đặc thù sẽ không thể tạo động lực làm việc cho NLĐ.

Thay đổi công nghệ gắn liền với sự xuất hiện của robot và điều này dẫn đến sự sàng lọc khắt nghiệt trong lực lượng CN. NLĐ phải làm gì để giành lấy cơ hội trong cuộc sàng lọc này?

– Chỉ có NLĐ có tay nghề cao mới có thể đảm trách việc điều khiển máy móc, thiết bị hiện đại. Quy luật này bắt buộc hình thành một lớp CN kỹ thuật cao và đương nhiên CN có tay nghề thấp sẽ bị đào thải. Việt Nam đã và đang trải qua cuộc sàng lọc này. Do vậy, ngay từ khi còn học ở trường nghề, NLĐ phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết để hội nhập và nắm bắt cơ hội khi DN có nhu cầu tuyển dụng. Khi được tuyển dụng vào làm việc, NLĐ phải liên tục cập nhật kiến thức, rèn giũa kỹ năng nghề và tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật để có thể bắt kịp với sự thay đổi về áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất của DN. Ai tự mãn, hài lòng với chính mình thì sẽ bị rớt lại phía sau, thậm chí bị sa thải khỏi nhà máy là điều không thể tránh khỏi.

(Nguồn. Người lao động)