Phải thực hiện nghĩa vụ với người bị tai nạn lao động
Phạm Nhật Hưng (nhatphamhung75@gmail.com) hỏi: “Tôi bị tai nạn giao thông khi đang đi làm nhiệm vụ theo phân công của giám đốc công ty. Sau khi xảy ra tai nạn, công ty đã thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) cấp cơ sở và kết luận tôi bị TNLĐ do lỗi của bên thứ ba. Tuy nhiên, trong hơn 1,5 tháng điều trị, tôi không được công ty chi trả bất kỳ khoản gì. Tôi đã nộp hồ sơ cho công ty để làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ nhưng thiếu giấy xác nhận của cơ quan công an địa phương nơi xảy ra tai nạn. Trường hợp tôi không bổ sung được giấy xác nhận, không được cơ quan BHXH giải quyết chế độ thì công ty có phải thực hiện nghĩa vụ gì với tôi không?”.
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: điều 144 Bộ Luật Lao động quy định khi người lao động (NLĐ) bị TNLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với người tham gia BHYT và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ không tham gia BHYT; trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho NLĐ bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị và phải bồi thường cho NLĐ theo quy định tại điều 145 của bộ luật này.
Cụ thể, ngoài việc được hưởng chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật BHXH, NLĐ bị TNLĐ mà không do lỗi của NLĐ và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức: ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động, sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ chết do TNLĐ.
Căn cứ quy định trên, khi đã xác định anh bị TNLĐ thì công ty phải có nghĩa vụ chi trả các khoản như đã nêu trên cho anh.
(Nguồn. Người lao động)